Người nuôi thiệt hại nặng…
Mấy ngày qua, ông Trịnh Văn Tèo (thôn Đầm Môn, xã Vạn Thạnh) như người mất hồn vì bị thiệt hại quá lớn do cơn bão số 12 gây ra. Trước cơn bão, ông Tèo được coi là người có “số má” trong vùng về nghề nuôi tôm hùm, nhưng chỉ sau một đêm, ông trở thành người trắng tay. “Mất sạch rồi! hơn 100 ô lồng với hơn 2.500 con tôm hùm sắp tới mùa thu hoạch, giá trị hơn 4 tỷ đồng trôi xuống biển hết. Tui nuôi tôm từ năm 2000 đến giờ cũng có nhiều năm lỗ khi rớt giá, tôm không được mùa nhưng chưa lần nào mất trắng như lần này”, ông Tèo than thở.
Theo ông Tèo, đêm trước khi bão vào, gia đình ông nhận định bão sẽ không mạnh như dự kiến do vịnh Vân Phong rất kín gió. Dù vậy, trong đêm dù đã được chính quyền vận động không được ra biển vì có thể nguy hiểm, nhưng 4 người trong gia đình ông Tèo vẫn quyết tâm bám trụ để gia cố lồng bè xong mới quay vào bờ. Tưởng rằng, bè đã chắc chắn, bão vào cũng không bị vỡ, nào ngờ sang hôm sau khi bão tan, ông Tèo vội vàng cho ghe ra thăm bè. Trước mắt ông là cảnh tượng tan hoang, chuồng nuôi tôm bị vỡ tan. Lúc này, bản thân ông ngửa mặt lên trời khóc hết nước mắt khi trực tiếp chứng kiến cảnh cả gia sản chắt chiu hàng chục năm ròng chìm sâu giữa biển cả.
Nỗi buồn của những người nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại do bão.
Bên bờ biển Vạn Giã, ông Lê Công Ngọc (xã Vạn Hưng) đang cho nhóm thợ sửa lại 200 ô lồng bè của mình bị sóng biển đánh trôi bị người khác nhặt về mà ông mới chuộc 20 triệu đồng. Ông Ngọc ngao ngán: “Mất sạch cả rồi, hơn 10.000 con tôm hùm chuẩn bị xuất bán với giá hơn 10 tỷ đồng của gia đình đã chìm xuống đáy biển. Trước hôm bão vào, gia đình đã vay nóng hơn 50 triệu đồng mua vật liệu về gia cố lồng bè, nào ngờ bão cũng đã cuốn đi luôn. Đã bị thiệt hại nặng, còn rơi vào nợ nần, giờ đây, tôi chỉ mong nhà nước cho chính sách hỗ trợ một phần nào đó để có điều kiện tái sản xuất”. Đối diện đó, vừa kéo chiếc thuyền bị sóng biển đánh chìm vào bờ, ông Lê Đức Khang cho hay cơn bão đã lấy đi của gia đình ông hơn 5.000 cá bớp, cá chim sắp thu hoạch với thiệt hại hơn 1,1 tỷ đồng.
Thương lái thu gom tôm hùm chở đi tiêu thụ.
Tình cảnh trắng tay sau bão như ông Tèo, ông Ngọc cũng là hoàn cảnh chung của nhiều bà con ngư dân ở Vạn Ninh. Ông Nguyễn Ngọc Ý - Trưởng phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh cho biết: “Chưa có năm nào người nuôi trồng thủy sản ở Vạn Ninh phải gánh chịu thiệt hại nặng nề như lần này. Trong đó, hộ nuôi tôm hùm là thiệt hại nặng nhất. Nhiều hộ vốn đang khá giả, chỉ sau một đêm bão vào rơi vào cảnh trắng tay, nợ nần. Bao hy vọng về đợt nuôi thủy sản cho vụ Tết này trở nên tan hoang. Giờ đây, chúng tôi chỉ mong Trung ương, tỉnh quan tâm chia sẻ, hỗ trợ một phần sự thiệt hại cho bà con để họ có động lực, điều kiện tiếp tục bám nghề”.
Theo báo cáo của UBND huyện Vạn Ninh, đến 16 giờ ngày 7-11, tính riêng về thủy sản, có hơn 12.200 lồng tôm hùm của 917 hộ nuôi và hơn 3.100 lồng cá của 339 hộ nuôi bị bão gây thiệt hại hoàn toàn. Ước thiệt hại hơn 2.600 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hơn 640ha ao, đìa nuôi ốc hương của người dân ven bờ cũng bị thiệt hại nặng, ước thiệt hơn 1,2 tỷ đồng.
…người đánh bắt hải sản trúng đậm
Ngay khi bão tan, mỗi ngày trên vùng biển huyện Vạn Ninh có hàng trăm chiếc ghe thuyền tấp nập đánh bắt hải sản. Ông Lê Văn Tám (thị trấn Vạn Giã) cho biết, 4 ngày qua, ngày nào ông cũng cho ghe giã cào chạy hết công xuất quần thảo trên vùng biển Vạn Ninh từ sáng sớm cho đến tối mịt mới về. “Bão vào, hàng trăm lồng bè của người nuôi tôm hùm, cá bớp, cá chim bị sóng biển đánh tan. Các loại thủy sản nuôi thoát ra ngoài biển nên chúng tôi tha hồ đánh bắt. Trung bình mỗi ngày chúng tôi đánh được 1 tấn cá, tôm bán lời hơn 60 triệu đồng/ngày. Biết việc người nuôi bị thiệt hại nặng, nhưng chúng tôi không đánh bắt thì người khác họ cũng đánh bắt”.
Cá được đánh bắt cập cảng Vạn Giã
Không chỉ những người có ghe giã cào quần thảo đánh bắt cá, tôm trúng đậm, những người làm nghề lặn biển cũng tích cực ra khơi. Ông Nguyễn Văn Tình (xã Vạn Thắng) chia sẻ: “Thấy ai cũng ra biến đánh bắt trúng đậm tôm hùm, tôi cũng bỏ việc lợp lại mái nhà tranh thủ ra biến bắt tôm hùm. Mỗi ngày lặn, tôi cũng kiếm được gần 20 triệu đồng”. Theo ông Tình, tôm hùm nuôi khi sổng lồng ra tự nhiên bơi rất chậm và thường quanh quẩn ở gần bờ nên việc lặn bắt rất dễ dàng…
Giá tôm, cá quá thấp
Trên bến cảng Vạn Giã, cảnh mua bán tôm, cá khá nhộn nhịp từ sáng sớm đến đêm khuya. Do chưa có điện nên việc bảo quản hải sản gặp nhiều khó khăn. Dựa vào yếu tố này, các thương lái ép giá tôm, cá xuống khá thấp. Tôm hùm loại 1 (loại con từ 1 kg trở lên) thu mua với giá 400.000 đồng/kg; loại tôm dưới 1 kg thu mua với giá từ 150.000 đến 200.000 đồng/kg. Đối với cá bớp thương lái thu mua với giá 20.000 đồng/kg; cá chẻm giá 10.000/kg; cá chim giá 5.000 đồng/kg. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, thương lái chỉ chủ yếu thu mua tôm hùm để chở vào TP. Nha Trang và các tỉnh khác để tiêu thu. Còn các loại cá thì thương lái ít thu mua do không có đá lạnh để bảo quản. Do lượng cá đánh bắt lên quá nhiều, không có đá bảo quản nên các ghe thuyền đành bỏ cá ươn, thối tràn lan khắp nơi trên bến cảng Vạn Giã.
Theo ghi nhận của chúng tôi, các thương lái thu mua tôm, cá về TP. Nha Trang bán cho người dân và các nhà hàng, quán ăn. Tại các chợ đầu mối như: chợ Đầm, Vĩnh Hải, Xòm Mới, Hoàng Diệu… cảnh mua bán tôm hùm và cá bớp nhộn nhịp lạ thường. Chị Nguyễn Thị Hải (phường Vĩnh Hải) cho biết: “Nghe tin tôm hùm, cá bớp từ Vạn Giã đổ về các chợ tôi và mấy chị em trong xóm rủ nhau đi mua về ăn. Quả thực tôi không nghĩ giá tôm hùm lại rẻ đến thế, chỉ khoảng 400.000 đồng/kg. Thỉnh thoảng gia đình vẫn mua về ăn, thường ngày tôm hùm xanh giá cũng tới hơn 800.000 đồng/kg. Dự định chỉ mua 1 ký nhưng thấy rẻ quá chẳng mấy khi mới mua được giá đó nên tôi với mấy chị em mỗi người mua liền 3 kg”.