Thông tư 25/2013 của Bộ NN-PTNT quy định: Chủ tàu hoặc thuyền trưởng của tất cả các tàu có giấy phép KTTS chịu trách nhiệm ghi sản lượng KTTS từng chuyến biển trong nhật ký khai thác. Đối với tàu KTTS có công suất máy chính từ 20CV trở lên, thuyền trưởng có trách nhiệm ghi nhật ký khai thác. Chủ tàu hoặc thuyền trưởng có trách nhiệm nộp và nhận nhật ký KTTS mới theo quy định của Sở NN-PTNT. Theo đó, mỗi chuyến biển, trong nhật ký KTTS ngoài các thông tin chung về nghề đánh bắt chính, số tàu, công suất máy chính, thuyền viên, ngư cụ, yêu cầu chủ tàu/thuyền trưởng phải ghi rõ: nơi xuất bến, nơi về bến; tọa độ nơi tàu hoạt động; địa điểm thả lưới, thu lưới, thời gian thả lưới, tổng số mẻ lưới trong chuyến biển… Đối với các sản phẩm đánh bắt được, ngoài ghi sản lượng của chuyến biển, còn phải phân rõ sản lượng từng loại cá.
Ghi nhật ký KTTS giúp cho việc truy xuất nguồn gốc thủy sản đánh bắt được dễ dàng hơn, nhằm ngăn chặn tình trạng KTTS bất hợp pháp, đồng thời cũng để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của ngư dân. Bởi ngoài đảm bảo quy định của doanh nghiệp thu mua, chế biến xuất khẩu thủy sản, việc tuân thủ ghi nhật ký KTTS là căn cứ để các chủ tàu được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Chuyện tưởng dễ “như trở bàn tay” này nhưng thực tế lại là chuyện rất khó thực hiện đối với các chủ tàu cá. Một phần do thói quen lâu nay họ không ghi chép, một phần do tâm lý “chim trời cá biển” nên hiện nay mới chỉ có các tàu khai thác xa bờ ghi nhật ký KTTS; trong đó, một số tàu không thực hiện hoặc có ghi nhật ký nhưng theo kiểu đối phó để hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Còn những tàu thuyền hoạt động ở vùng lộng, gần bờ hầu như chưa tuân thủ quy định này. Theo các trạm kiểm soát biên phòng trên địa bàn tỉnh, đối với các tàu, thuyền KTTS gần bờ, trước khi ra khơi, cơ quan chức năng chỉ có thể quản lý, cấp giấy đăng ký, sổ danh bạ thuyền viên, đăng kiểm, nghề khai thác… Còn chủ tàu thuyền đi ngư trường nào, đánh bắt loại thủy sản gì, bán ở đâu, cho ai thì không thể kiểm soát hết được. Đặc biệt, đối với các tàu hành nghề giã cào (lưới kéo), việc ghi nhật ký KTTS hầu như không thực hiện vì sợ “vạch áo cho người xem lưng” hoặc “lạy ông con ở bụi này”. Ngoài ra, để tiết kiệm nhiên liệu, nhiều tàu bán hải sản trực tiếp trên biển cho “rổi cá” rồi tiếp tục chuyến đánh bắt. Chính vì thế, họ khó có thể ghi chép đầy đủ, cụ thể từng nội dung quy định trong nhật ký KTTS.
Trước việc hàng thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU không rõ nguồn gốc, xuất xứ, Ủy ban châu Âu (EC) đã rút “thẻ vàng” cảnh cáo và hiện vẫn chưa thu hồi. Cùng với EU, nhiều thị trường khác cũng đã áp dụng các quy định nghiêm ngặt để truy xuất nguồn gốc thủy sản, kiểm soát KTTS bất hợp pháp. Vì vậy, hơn ai hết, ngư dân Phú Yên - “thủ phủ” của nghề câu cá ngừ đại dương, cần phải thích ứng nhanh với việc ghi nhật ký KTTS.
Bà con không nên khai thác “chui”, đặc biệt là không được khai thác thủy sản ở những vùng biển cấm khai thác và vùng biển của nước ngoài. Nếu ngư dân không chủ động ghi nhật ký xác nhận nguồn gốc thủy sản đánh bắt nhằm đáp ứng quy định của các thị trường nhập khẩu thì việc bị phạt “thẻ đỏ” là khó tránh khỏi. Khi đó, thiệt kép, thiệt đơn luôn thuộc về bà con trước tiên.