Các nhà vi trùng học thuộc Đại học Portsmouth (Anh) phát hiện, ký sinh trùng paramyxean là thủ phạm khiến tôm đực biến thành tôm cái.
Giới nghiên cứu tin rằng, phát hiện trên có thể là một bước đột phá đối với ngành nuôi bắt thủy sản vốn đã hứng chịu nhiều tổn thất lớn từ vấn đề chuyển đổi giới tính.
Hãng thông tấn PA dẫn lời tiến sĩ Alex Ford đến từ Viện Hải dương học thuộc trường Đại học Portsmouth (IMS) cho biết: “Đây là nghiên cứu vô cùng thiết thực vì chúng ta đang đối mặt với sự mất cân bằng giới tính – một vấn đề sinh thái nghiêm trọng ảnh hưởng đến những loài nằm cao hơn trong chuỗi thức ăn. Các sinh vật biển như tôm và động vật thân mềm là thức ăn cho cá và chim biển, nên hậu quả có thể rất lớn”.
Tiến sĩ Stephen Short, một thành viên nhóm nghiên cứu, lý giải thêm rằng, những sinh vật biển bị biến đổi giới tính sẽ dễ bị tổn hại hơn do các chất gây ô nhiễm công nghiệp như nhựa, dầu và hóa chất tổng hợp độc hại trong nước biển khiến chúng suy giảm khả năng chống chọi với nhiễm trùng hoặc bị tấn công.
Ông Short nhấn mạnh: “Các động vật giáp xác mới sinh cũng trở thành vô tính (không phải đực cũng không phải cái). Hiện tượng này đã trở nên phổ biến và lan rộng, đe dọa các môi trường sống ở biển”.