Cá đồng khan hiếm
Sống bằng nghề giăng lưới hơn 10 năm, ông Lê Thành Nam, ở ấp 6, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, chia sẻ: “Cá, tép dần khan hiếm qua từng năm, trong đó có cá rô đồng và thát lát trắng ngày càng ít hơn. Bây giờ, tôi giăng lưới cả ngày chỉ kiếm được vài ký cá sặc, cá chốt là cùng”. Theo ông Nam, hồi đó, vùng đất huyện Phụng Hiệp trũng thấp, lung, bàu và lau sậy ngập nước quanh năm nên các loài thủy sản nước ngọt như: cá lóc, trê vàng, rô đồng, tôm nhiều vô số kể. Chỉ cần cầm tay lưới không quá 100 thước dạo một vòng giăng theo các tuyến kênh nội đồng là có thể ăn được cả tuần.
“Bây giờ muốn kiếm cá, tôi phải chờ nước ròng, cá gom vào mé mới giăng lưới. Đôi lúc, tôi dùng mái chèo đập trên mặt nước để đuổi cá mà vẫn phải gom lưới về tay không”, ông Nam chia sẻ thêm. Chính việc đánh bắt không còn dễ dàng như trước nên ông Nam đã tạm gác lại chuyện mưu sinh với nghề giăng lưới trên sông. Đồng thời chuyển sang nghề trồng trọt, chăn nuôi gà vịt, góp phần ổn định sinh kế gia đình trong thời gian tới.
Còn anh Trần Minh Việt, ở ấp 5, xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy, cho hay: “Tôi chưa từng nghĩ cá đồng lại cạn kiệt như bây giờ. Bằng chứng là vào giai đoạn cao điểm mùa khô năm nay, mực nước thấp, cha con tôi đi kéo lưới gần cả buổi mà chỉ được một ít cá lòng tong, tép trấu và cá sặc…”. Theo lý giải của anh Việt, do người dân đánh bắt thủy sản bất kể ngày đêm, thậm chí sử dụng nhiều dụng cụ khai thác triệt để cá mẹ lẫn cá con. Dễ thấy nhất là người dân thường tranh thủ thời điểm rút nước cạn đồng thu hoạch lúa Hè thu để đặt lờ vây bắt cá rô non.
Thông tin từ Chi cục Thủy sản tỉnh, nguyên nhân dẫn đến nguồn lợi thủy sản cạn kiệt, một phần do lũ về thấp, hạn, mặn kéo dài, hay môi trường nước bị ô nhiễm vì chất thải công nghiệp. Trong khi đó, người dân sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật phục vụ sản xuất nông nghiệp gây ảnh hưởng đến quá trình sinh sản, phát triển của một số loài cá, tôm quen thuộc ngoài tự nhiên. Đặc biệt là hình thức đánh bắt không hợp lý và mang tính tận diệt như: xung điện, dùng chất hóa học, sử dụng những dụng cụ có mắt lưới nhỏ hơn quy định tràn lan, chưa thể kiểm soát trong dân.
Chung tay bảo vệ
Bà Nguyễn Thị Cẩm Nhung, ở khu vực 1, phường III, thành phố Vị Thanh, cho hay: “Từ đầu năm đến nay, cứ vào sáng thứ 7 mỗi tuần, tôi và những tín đồ phật giáo mang cá ra sông Xà No để thả. Mỗi lần, thả số lượng khoảng 100kg cá các loại như rô, lóc, rô phi, trê vàng, lươn”. Có thể nói, tuy số lượng cá mà bà Nhung và các phật tử thả không nhiều nhưng đó là việc làm vừa mang tính thiện nguyện, vừa thể hiện tinh thần và trách nhiệm, góp phần gìn giữ và bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản trong môi trường sinh thái tự nhiên.
Ông Nguyễn Thành Đông, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, cho biết: “Hàng năm, đơn vị đều tiến hành thả cá ra môi trường tự nhiên nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản. Cụ thể là mới đây, đơn vị đã phối hợp với Hội Thủy sản tỉnh thả hơn 200kg cá các loại xuống sông Xà No. Theo kế hoạch, vào tháng 7 tới, chúng tôi sẽ tiếp tục vận động và tranh thủ nguồn vốn xã hội hóa để thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản tại 2 điểm gồm huyện Vị Thủy và thị xã Ngã Bảy, với kinh phí dự kiến 100 triệu đồng”.
Mặt khác, Chi cục Thủy sản Hậu Giang sẽ tiếp tục tổ chức kiểm tra định kỳ hàng tháng, nhất là vào mùa nước nổi và mùa sinh sản của một số loài thủy sản. Đồng thời, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và triển khai các văn bản pháp luật về khai thác thủy sản cho người dân. Ngoài ra, kết hợp với các tổ chức đoàn, hội, lực lượng chức năng địa phương tăng cường kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp đánh bắt thủy sản trái phép, cũng như cố tình tái phạm trong việc sử dụng các dụng cụ, phương tiện cấm khai thác.
“Về lâu dài, chi cục sẽ lập kế hoạch cụ thể cho từng giai đoạn; thường xuyên kiểm tra và cập nhật số liệu hàng năm, nhằm đáp ứng cho việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về nguồn lợi thủy sản, đảm bảo tốt cho công tác quản lý và dự báo. Quan trọng nhất là tham mưu UBND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, tạo công ăn việc làm cho những hộ mưu sinh bằng nghề khai thác thủy sản, góp phần phục hồi và tái tạo lại nguồn lợi thủy sản, đa dạng sinh học trong môi trường tự nhiên”, ông Đông nhấn mạnh.