Cá đuối khổng lồ có khả năng phóng khỏi mặt nước như cá heo - Ảnh: Wildlife Conservation Society
Giới khoa học hầu như chẳng biết được nhiều về đời sống cũng như sinh hoạt của loài cá đuối khổng lồ có bề ngang đến 7,5 m. Giờ đây, trong cuộc nghiên cứu đầu tiên sử dụng vệ tinh theo dõi cá đuối tại Đại Tây Dương, nhóm chuyên gia do tổ chức Bảo tồn sinh vật hoang dã tại Belize đang dần khám phá những bí mật xung quanh sinh vật có biệt danh là “cá quỷ” này.
Theo báo cáo mới đăng trên chuyên san PLoS One, nhóm chuyên gia theo dõi 6 cá thể Manta birostris, loài có kích thước lớn nhất trong họ cá đuối, ngoài khơi bán đảo Yucatan (Mexico). Họ gắn máy phát lên 4 con cái, 1 con đực và 1 con chưa xác định giới tính, theo dõi bằng vệ tinh cho đến khi tín hiệu tắt hẳn, tức từ 27 đến 64 ngày. Dữ liệu sơ bộ thu được từ vệ tinh cho thấy một số cá thể di chuyển hơn 1.100 km để tìm kiếm thức ăn. Giống như cá voi tấm sừng hàm và cá mập voi, cá đuối là loài ăn lọc. Chúng thường có khuynh hướng di chuyển gần bờ, giữ khoảng cách trong vòng 320 km so với bờ biển, quanh quẩn gần lộ trình của tàu bè trong nỗ lực săn sinh vật phù du và trứng cá, theo thành viên nhóm nghiên cứu Matthew Witt của Đại học Exeter.
Dù đôi khi bị gọi là cá quỷ do bề ngoài đáng sợ của mình, cá đuối khổng lồ hoàn toàn vô hại đối với con người. Chúng thiếu khả năng chích điện như loài cá đuối gai độc khét tiếng. Cá đuối khổng lồ cũng là loài có tỷ lệ khối lượng cơ thể với não cao nhất trong họ cá mập và các loài cá đuối khác. Chúng đẻ con, thường là 1 hoặc 2 lứa trong mỗi 1 hoặc 2 năm. Trong khi các lộ trình di trú rộng hơn của chúng vẫn chưa được xác định, nghiên cứu mới cho thấy công nghệ theo dõi bằng vệ tinh có khả năng cung cấp cái nhìn sâu hơn về loài sinh vật trên. Do di chuyển gần bờ, Manta birostris thường sa vào lưới cá, hoặc đối mặt nguy cơ bị tàu thuyền đâm. Bộ phận hàm lọc thường bị săn làm vị thuốc cho người Trung Quốc.
“Những cuộc nghiên cứu như vậy đặc biệt quan trọng trong nỗ lực tìm ra cơ chế quản lý hiệu quả đối với loài cá đuối, vốn đang lâm vào tình trạng suy giảm số lượng trên toàn cầu”, theo đánh giá của Howard Rosenbaum, Giám đốc Tổ chức Bảo tồn sinh vật hoang dã.