1. Vùng U Minh Thượng
Phần lớn các chỉ tiêu hóa, lý môi trường nước như: nhiệt độ, pH, độ trong, oxy hòa tan (DO), ammonia, tiêu hao oxy sinh học (BOD5) tại các điểm quan trắc đều nằm trong ngưỡng giới hạn cho phép.
Tuy nhiên: 7/10 điểm có độ kiềm thấp (35,8 - 53,7 mg/l), 9/10 điểm có độ mặn thấp (từ 0 - 4‰).
Nitrite vượt ngưỡng giới hạn cho phép tại 9/10 điểm quan trắc, Phosphate cũng vượt ngưỡng giới hạn cho phép tại 9/10 điểm quan trắc.
2. Vùng Tây sông Hậu
Phần lớn các chỉ tiêu hóa, lý môi trường nước như: nhiệt độ, pH, độ trong, ammonia, tiêu hao oxy sinh học (BOD5) tại các điểm quan trắc đều nằm trong ngưỡng giới hạn cho phép.
Tuy nhiên, độ mặn vẫn tiếp tục duy trì ở mức 0‰ tại cả 03 điểm quan trắc của vùng, oxy hòa tan (DO) vẫn tồn tại ở mức thấp, chỉ 3,0 mg/l, có 1/3 điểm quan trắc có hàm lượng phosphate vượt ngưỡng giới hạn cho phép đối với động vật thủy sản nuôi.
3. Vùng Tứ giác Long Xuyên
Phần lớn các chỉ tiêu hóa, lý môi trường nước như: nhiệt độ, pH, độ trong, oxy hòa tan (DO), ammonia, tiêu hao oxy sinh học (BOD5) tại các điểm quan trắc đều nằm trong ngưỡng giới hạn cho phép.
Tuy nhiên, tại một số điểm quan trắc như: hàm lượng phosphate vượt ngưỡng cho phép từ 2,5 lần tại cống Vạn Thanh (Hòn Đất), có 3/7 điểm quan trắc có hàm lượng nitrite vượt ngưỡng giới hạn.
Điểm quan trắc tại cống Vạn Thanh (Hòn Đất), cầu Đồng Hòa (Giang Thành): có độ pH rất thấp (chỉ từ 4,5 - 6,5), trong khi ngưỡng pH thích hợp cho tôm nuôi phát triển là 7,5 - 8,5 và biến thiên pH trong ngày không quá 0,5.
Do thời tiết mưa nhiều cùng với việc xả lũ ở đập Trà Sư và đập Tha La từ ngày 31/8/2018 làm cho nước ngọt từ thượng nguồn đổ ra biển nhiều, đẩy nước mặn lùi xa khỏi khu vực cửa sông nên độ kiềm (6/7 điểm), độ mặn (5/7 điểm) ở hầu hết các điểm quan trắc của vùng giảm và tồn tại ở mức rất thấp, dưới ngưỡng thích hợp cho tôm nuôi phát triển.
4. Vùng nuôi cá lồng bè tập trung của xã Hòn Nghệ - Kiên Lương
Phần lớn các chỉ tiêu hóa, lý môi trường nước như: nhiệt độ, pH, độ trong, oxy hòa tan (DO), ammonia, tiêu hao oxy sinh học (BOD5), hàm lượng NH4+, hàm lượng nitrite, phosphate tại các điểm quan trắc đều nằm trong ngưỡng giới hạn cho phép. Tuy nhiên, mật độ vi khuẩn Vibrio.sp tại cả ba điểm quan trắc của vùng tiếp tục tăng cao bất thường, vượt ngưỡng từ 4 - 10 lần (duy trì ở mức 3.670 - 10.150 cfu/ml).
5. Nhận định và khuyến cáo chung
* Nhận định:
- Có nhiều các chỉ tiêu quan trắc môi trường nước vượt ngưỡng giới hạn cho phép, không thích hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của tôm, cá nuôi lồng bè.
- Tại một số điểm quan trắc tồn tại nhiều bất lợi, cần phải lưu ý, xử lý như: độ pH thấp (3/20 điểm), độ kiềm thấp (13/20 điểm), độ mặn thấp (17/23 điểm), hàm lượng nitrite cao vượt ngưỡng (11/20 điểm).
- Mật độ Vibrio tổng số có xu hướng tăng cao hơn so với đợt quan trắc trước. Có 2/20 điểm quan trắc phục vụ cho nuôi tôm nước lợ có mật độ vi khuẩn Vibrio tổng số cao vượt ngưỡng giới hạn cho phép (>1.000 cfu/ml), tồn tại ở mức 1.020 - 1.850 cfu/ml. Tại vùng nuôi cá lồng bè tập trung của xã Hòn Nghệ - Kiên Lương mật độ vi khuẩn Vibrio tổng số tăng cao đột biến, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus tiếp tục được ghi nhận trong 11/20 kênh cấp nước phục vụ nuôi tôm và mật độ thấp hơn so với đợt quan trắc trước, cao nhất 1.430 cfu/ml tại điểm quan trắc cống Rạch Đùng (Kiên Lương).
* Khuyến cáo:
Đối với nuôi tôm nước lợ:
Theo Thông báo số 263/TB-SNNPTNT ngày 20/11/2017 của Sở Nông nghiệp và PTNT về thông báo kế hoạch sản xuất tôm nuôi đầu vụ năm 2018 thì mùa vụ sản xuất tôm sú - lúa đến nay đã hết lịch thời vụ.
Trong thời gian tới, thời tiết vẫn tiếp tục diễn ra mưa nhiều kèm theo ảnh hưởng của việc xả lũ từ thượng nguồn các con sông làm nhiệt độ, độ mặn, độ kiềm, độ trong, pH trên các kênh cấp nước giảm thấp không thích hợp để lấy nước vào, còn trong ao nuôi tôm thì nước ngọt và thiếu khoáng vi lượng làm tôm giảm ăn, mềm vỏ, lột dính, suy giảm sức đề kháng và mẫn cảm với các tác nhân gây bệnh. Do đó, để thuận lợi cho tôm nuôi phát triển, các nông hộ nuôi tôm cần lưu ý thực hiện các biện pháp quản lý ao nuôi tổng hợp, đồng thời theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thời tiết thủy văn, quan trắc môi trường, giám sát mầm bệnh để có những biện pháp xử lý phù hợp, kịp thời. Ngoài ra cần lưu ý thực hiện tốt một số khuyến cáo như sau:
- Hạn chế tối đa việc lấy nước từ các kênh cấp vào ao nuôi tôm, nếu bắt buộc phải thay hay châm thêm nước thì xử lý trong ao lắng trước khi cấp vào ao nuôi. Đối với ao có mật độ vi khuẩn Vibrio cao, định kỳ 15 ngày/lần tiến hành diệt khuẩn, bổ sung các chất bổ trợ gan cho tôm ăn, sử dụng men vi sinh để khôi phục hệ vi khuẩn có lợi trong ao.
- Lựa chọn con giống khỏe mạnh, đã qua kiểm dịch, nên mua con giống của những cơ sở sản xuất có uy tín. Xét nghiệm bệnh trên tôm giống trước khi thả nuôi; độ mặn trên các kênh giảm thấp trong mùa mưa do đó người nuôi cần kết hợp với trại giống để điều chỉnh 2 môi trường nuôi tương đương nhau, độ mặn không nên chênh lệch nhau quá 5‰ nhằm giảm sốc và đạt tỷ lệ sống cao.
- Hằng ngày kiểm tra các chỉ tiêu môi trường trong ao nuôi để kịp thời điều chỉnh nếu có sự bất lợi, kiểm tra sàng ăn (nhá) để điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp tránh dư thừa.
- Khi mưa lớn thường xảy ra hiện tượng xì phèn đáy ao và rửa trôi phèn từ bờ bao, do đó người nuôi cần rải vôi khô dọc bờ ao trước và sau cơn mưa để duy trì hệ đệm cũng như ổn định pH trong ao. Trong cơn mưa lớn cần sục khí ao nuôi để xáo trộn nước hoặc rút bớt nước tầng mặt để tránh hiện tượng phân tầng. Sau cơn mưa cần kiểm tra hoạt động của tôm (hình dạng, màu sắc, phản xạ, đường ruột, thức ăn trong nhá) và môi trường nước (pH, kiềm, độ trong, độ mặn), giảm lượng thức ăn và bổ sung thêm khoáng vi lượng, vitamin C để tăng sức đề kháng cho tôm.
- Thường xuyên theo dõi tình hình sức khỏe của tôm, kiểm tra các yếu tố môi trường để kịp thời điều chỉnh nếu cần và khi phát hiện tôm nuôi bị bệnh hoặc biểu hiện bất thường nên báo ngay cho cán bộ thú y địa phương, các hộ nuôi xung quanh, tuyệt đối không được xả nước, tôm của ao nuôi bị bệnh ra ngoài môi trường nếu chưa qua xử lý để tránh lây lan trên diện rộng;
- Độ kiềm , độ pH và nitrit ở những điểm quan trắc ngoài ngưỡng thích hợp phải được quan tâm xử lý tốt để có giá trị thích hợp là: Độ kiềm từ 90 - 130 mg/l đối với tôm sú và 100 - 150 mg/l đối với tôm chân trắng; độ pH thích hợp cho tôm nuôi phát triển là 7,5 - 8,5 và biến thiên pH trong ngày không quá 0,5; hàm lượng nitrite phải <0,05 mg/l.
Đối với các hộ nuôi cá lồng bè:
Thời tiết mưa nhiều làm cho độ mặn của nước biển ở vùng nuôi cũng giảm mạnh trong khi mật độ vi khuẩn vibrio tổng số tăng cao do nước mặt ở trong đất liền đổ ra nhiều, nguy cơ tiềm ẩn các loại dịch bệnh do vi khuẩn gây ra ở trên cá nuôi. Do đó người nuôi cá nên thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh tổng hợp như sau:
- Tăng cường giám sát chất lượng nguồn nước, tình hình dịch bệnh, cắt cử người thường xuyên trông coi lồng bè để kịp thời phát hiện và có các biện pháp xử lý khi xảy ra các tình huống bất thường, hạn chế thiệt hại.
- Định kỳ tiến hành vệ sinh lưới lồng để loại bỏ rác, chất bẩn, các loại sinh vật bám trên lưới nhằm tăng khả năng lưu thông của nước và loại bỏ các loại vi khuẩn gây bệnh;
- Lựa chọn con giống khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ ràng và đã qua kiểm dịch, nên mua con giống của những cơ sở kinh doanh có uy tín;
- Định kỳ tắm cá bằng nước ngọt trong thời gian 30 phút hoặc tắm bằng nước ngọt có pha formol nồng độ 200ppm có sục khí liên tục trong thời gian tắm để loại bỏ vi khuẩn, kí sinh trùng, đỉa, rận bám trên cơ thể gây bệnh cho cá.
- Khi có cá chết phải áp dụng các biện pháp nhằm tránh làm ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh như sau: thu gom cá chết mang lên bờ tiêu hủy bằng vôi bột, hóa chất, hoặc nấu chín, chôn lấp cẩn thận; tách riêng cá bệnh về khu vực nuôi riêng, cuối nguồn nước, áp dụng biện pháp điều trị phù hợp;
- Thực hiện thu gom rác thải sinh hoạt để đưa về nơi xử lý, không nên vứt bừa bãi xung quanh khu vực nuôi làm ô nhiễm môi trường vùng nuôi và tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn, kí sinh trùng phát triển gây bệnh cho cá;
* Lưu ý: những ngày tới nước lớn sẽ kéo dài từ ngày 05/9/2018 đến ngày 09/9/2018, mực nước cao nhất là 1,2 m, xuất hiện từ 10 giờ 20 phút đến 14 giờ 10 phút tùy theo ngày và từng vùng nuôi. Người nuôi tôm có thể chủ động lấy nước vào ao lắng, xử lý trước khi cấp nước mới vào ao nuôi tôm.
Trên đây là kết quả quan trắc môi trường đợt 18 - 2018, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đề nghị các đơn vị liên quan có biện pháp phù hợp hỗ trợ thông báo, thông tin rộng đến các hộ nuôi tôm, cá biết để có biện pháp xử lý thích hợp, chủ động trong sản xuất.
Thông tin liên hệ Phòng Quản lý dịch bệnh - Chi cục Chăn nuôi và Thú y, điện thoại 0297.800.115.