Trong ao, anh chủ yếu nuôi cá trắm cỏ theo phương thức truyền thống. Thức ăn cho cá là lá chuối, lá ngô, sắn, cỏ và các phụ phẩm từ nông nghiệp sẵn có trong gia đình. Gia đình anh còn chú trọng vệ sinh ao nuôi, chủ động nguồn nước, không nuôi mật độ dày để cá lớn nhanh và hạn chế dịch bệnh. Với 2 ao nuôi gối lứa, trung bình mỗi năm anh Thịnh xuất bán hơn 1,2 tấn cá, thu lãi hơn 80 triệu đồng. Nuôi cá theo phương pháp truyền thống tuy cá chậm lớn nhưng đổi lại, chi phí sản xuất thấp, cá chắc thịt, ngọt, thơm, được thị trường ưa chuộng, giá bán cao.
Gia đình ông Bàn Thanh Bình (thôn 1 Nhai Tẻn) tiên phong nuôi thủy sản thâm canh tại xã Kim Sơn. Hiện gia đình có 2 ao nuôi với hơn 2.800 m2. Có mặt nước rộng, sâu và kiến thức về đặc điểm của từng giống cá ở từng hệ sinh thủy khác nhau, ông đã đưa các giống cá trắm, chép, rô phi đơn tính về nuôi. Với phương pháp nuôi ghép giúp tiết kiệm triệt để thức ăn dư thừa, hạn chế phát sinh dịch bệnh. Ngoài đầu tư vốn mở rộng diện tích ao nuôi, mua máy sục khí, máy bắn cám tự động hẹn giờ cho cá ăn, gia đình ông Bình còn đầu tư hơn 20 triệu đồng lắp đặt đường ống dẫn nước ở các khe, suối về ao.
Ông Bình cho biết: Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong nuôi cá đã đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình. Nuôi cá bằng thức ăn công nghiệp với đầy đủ chất dinh dưỡng giúp cá lớn nhanh, hạn chế dịch bệnh. Sử dụng máy bắn cám tự động hẹn giờ cho cá ăn sẽ giảm công lao động trực tiếp. Ứng dụng công nghệ sinh học xử lý môi trường ao nuôi giúp giảm và kiểm soát dịch bệnh. Nhờ đó, hiệu quả kinh tế tăng gấp 2 - 3 lần so với nuôi thông thường.
Xã Kim Sơn có hơn 67 ha ao nuôi thủy sản, trong đó khoảng 20 ha nuôi thâm canh, sản lượng ước đạt hơn 620 tấn cá thịt/năm, đem lại nguồn thu hơn 33 tỷ đồng. Với lợi thế về địa lý, nguồn nước tự nhiên dồi dào, phong trào nuôi thủy sản trên địa bàn xã rất phát triển. Các hộ chuyển dần từ phương thức nuôi thủy sản quảng canh sang chuyên canh. Để giúp người dân có thêm kiến thức nuôi thủy sản, xã thường xuyên phối hợp với các ngành chuyên môn mở lớp dạy nghề nuôi cá nước ngọt; tập huấn, hướng dẫn các phương pháp lựa chọn giống, kỹ thuật chăm sóc, phòng, trừ dịch bệnh cho đàn cá; phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho người dân vay vốn mở rộng quy mô nuôi thủy sản.
Ông Nguyễn Thành Công, Chủ tịch UBND xã Kim Sơn cho biết: Xác định nuôi thủy sản là hướng đi mũi nhọn trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đem lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp, trong thời gian tới, xã đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích các hộ chuyển đổi những ruộng cấy lúa kém hiệu quả sang đào ao nuôi cá. Xã khuyến khích và tạo điều kiện để các hộ thành lập hợp tác xã nuôi thủy sản nhằm hỗ trợ kiến thức, kinh nghiệm nuôi và tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, hướng tới xây dựng thương hiệu cho cá Kim Sơn. Đồng thời, xã tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ, giúp người dân khai thác tối đa thế mạnh sẵn có ở địa phương, phát triển nuôi thủy sản theo hướng bền vững, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo tại địa phương.