Phát biểu tại cuộc họp lần thứ 10 Bộ trưởng Nông nghiệp các nước Tây Nam Thái Bình Dương tại đảo Samoa, Tổng Giám đốc Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), José Graziano da Silva, cho rằng phát triển bền vững khai thác thủy sản và biến đổi khí hậu đã trở thành “vấn đề của sự sinh tồn.”
Tầm quan trọng của ngành đánh bắt cá và nuôi trồng thủy sản là không thể phủ nhận vì đã giúp cung cấp 15% lượng protein cho 3 tỷ người, đóng góp 200 triệu việc làm toàn cầu.
Tuy nhiên, việc đánh bắt và nuôi trồng thủy sản không được gây nguy hại thêm cho vai trò của đại dương đối với khí hậu Trái Đất. Chính các đại dương đã giúp hấp thụ 25% lượng khí CO2 thải vào không khí từ các hoạt động của con người.
Khu vực Tây Nam Thái Bình Dương là dải đất rộng nhưng cũng dễ bị tổn thương của bề mặt Trái Đất, chiếm khoảng 15% diện tích toàn cầu. Khu vực này có tới 2.000 đảo và rặng san hô dễ bị tổn thương do bão lụt và luôn trong tình trạng khan hiếm nguồn nước ngọt.
Cuộc họp lần thứ 10 của FAO kết thúc ngày 13/4 với sự tham gia của 14 quốc gia trong khu vực nhằm tổng kết, đưa ra kế hoạch tổng thể cho công việc của FAO tại đây.
FAO đã giúp các quốc gia trong khu vực này thông qua chương trình hợp tác trên hàng loạt các vấn đề từ chống đánh bắt cá trái phép, đến quản lý khu vực biển ngoài quyền tài phán các quốc gia…