Bộ Thương mại Hoa Kỳ công bố Kết luận sơ bộ đợt rà soát hành chính thuế chống bán phá giá lần thứ 13 (POR13) đối với sản phẩm cá tra - basa nhập khẩu từ Việt Nam
Sản phẩm rà soát trong đợt này gồm: cá tra-basa gồm các mã HS: 0304.62.0020, 0305.59.0000, 1604.19.2100, 1604.19.3100, 1604.19.4100, 1604.19.5100, 1604.19.6100 và 1604.19.8100, trong giai đoạn từ 01/8/2015 đến 31/7/2016
Đối với các công ty bị đơn bắt buộc (02 công ty), DOC sơ bộ xác định một công ty mặc dù đáp ứng được điều kiện hưởng thuế suất riêng rẽ nhưng do không hợp đầy đủ với cơ quan điều tra nên DOC sử dụng dữ liệu có sẵn để xác định
Đối với công ty còn lại, DOC sơ bộ xác định không đủ điều kiện hưởng thuế suất riêng và do đó sẽ bị áp theo mức thuế suất toàn quốc.
Đối với các công ty bị đơn tự nguyện nhận mức thuế suất là 2,39 USD/kg. Mức thuế suất toàn quốc vẫn ở mức 2,39 USD/kg.
Với mức 2,39 USD/kg, được cho là cao hơn 3 lần so với mức thuế riêng lẻ áp cho một số doanh nghiệp trong kết luận cuối cùng của POR12.
Cụ thể, trong quyết định cuối cùng của DOC về POR12, ngoài 3 doanh nghiệp bị DOC áp thuế 2,39 USD/kg, có 7 doanh nghiệp chỉ phải chịu thuế 0,69 USD/kg, còn thuế suất chung toàn quốc là 2,39 USD/kg.
Nhưng trong quyết định sơ bộ của POR13, 10 DN bị DOC áp thuế 2,39 USD/kg, ngoài ra không có một mức thuế riêng lẻ nào khác.
DOC cũng sơ bộ xác định, trong giai đoạn rà soát, một số công ty đã không xuất khẩu sản phẩm bị điều tra sang Hoa Kỳ, tuy nhiên, DOC vẫn sẽ tiếp tục rà soát đối với các công ty này.
Các bên liên quan có thể nộp bản lập luận trong vòng 30 ngày kể từ ngày công bố kết luận sơ bộ này trong Công báo liên bang. Bản phản biện phải được nộp trong vòng 5 ngày sau thời hạn nộp lập luận vụ việc.
DOC dự kiến ban hành kết luận cuối cùng của đợt rà soát hành chính này trong vòng 120 ngày kể từ ngày ban hành kết luận sơ bộ.
Theo các doanh nghiệp, mức thuế chống bán phá giá lên tới 2,39 USD/kg sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ cho xuất khẩu cá tra vào thị trường Mỹ.
Kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm nay đạt 996,5 triệu USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2016.
Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ đạt 223 triệu USD, giảm 1% so với cùng kỳ năm 2016 và chiếm 22% kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành. Tiếp đến, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 201 triệu USD, tăng 46% so với cùng kỳ và chiếm 20,3% kim ngạch xuất khẩu toàn ngành, xuất khẩu sang EU đạt 120 triệu USD, giảm 23,1% so với cùng kỳ chiếm 12,1% kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành.
Với kết quả như trên, trong 7 tháng đầu năm 2017, Mỹ là thị trường số 1 về xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Tuy nhiên, với mức thuế 2,39 USD/kg đánh trên sản phẩm cá tra xuất khẩu của Việt Nam, các doanh nghiệp sẽ khó duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường quan trọng này.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, trong 7 tháng 2017, diện tích thả nuôi cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long ước đạt 3.921,6 ha, giảm 5,4% so với cùng kỳ 2016. Sản lượng cá tra đã thu hoạch là 729,7 ngàn tấn, tăng 1,2%.
Ngành cá tra Việt Nam cũng đã phát triển tốt với hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm nghiêm ngặt và về kỹ thuật có thể nói ngành cá tra Việt Nam có thể đạt được tiêu chuẩn tương đương với Mỹ. Tuy nhiên, VASEP lo ngại rằng, chính sách phân biệt đối với hàng nhập khẩu của chính phủ Mỹ có thể tạo ra những thách thức mới đối với cá tra Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này.
Đại diện Công ty xuất khẩu Thủy sản tại Bến Tre cho rằng, doanh nghiệp sẽ không thể xuất khẩu nếu mức thuế lên tới 2,39 USD/kg, bởi sẽ không cạnh tranh được. Chưa kể, Đạo luật Farmbill đang là những rào cản lớn khiến nhập khẩu cá tra vào thị trường này gặp nhiều khó khăn.
Năm 2016, xuất khẩu cá tra đạt 1,67 tỷ USD, tăng 6,6% so với năm 2015. Mục tiêu xuất khẩu của ngành cá tra năm 2017 là 1,7-1,8 tỷ USD, trong đó, những chính sách thuế, phí tại Mỹ, thị trường xuất khẩu chủ lực luôn có tác động lớn đến việc thực hiện mục tiêu xuất khẩu.