Tuy nhiên, các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh và Bộ NN&PTNT đều cảnh báo nguyên nhân khác làm tu hài chết hàng loạt là do con giống tràn lan từ Trung Quốc chưa được kiểm dịch. Nhiều DN và các hộ nuôi trồng tu hài đã trắng tay, lâm cảnh nợ nần.
Mất trắng
Ông Bùi Văn Đông, một lão ngư ở Hòn Cò, thị trấn Cái Rồng, Vân Đồn, một trong những người đầu tiên nuôi tu hài của vùng biển Vân Đồn từ đầu năm 2003, giờ thẫn thờ bởi hơn 40.000 lồng tu hài của ông giờ chỉ còn những đám bọt biển tan đi. Sau hàng chục vụ nuôi tu hài lãi lớn, đầu năm 2012, ông dốc toàn bộ vốn liếng và vay thêm NH 4 tỷ đồng để đầu tư thả 40.000 lồng tu hài giống. “Nhưng đầu tháng 5, khi vớt thử lồng chuẩn bị cho vụ thu hoạch, tôi phát hiện có tu hài chết. Vớt thử các lồng khác, tình hình cũng chết tương tự. Thế rồi cả 40.000 lồng tu hài đều chết hết”, bà Yến, vợ ông Đông gạt nước mắt nói.
Chỉ thu hoạch được 5 - 7%, nhưng anh Nguyễn Văn Minh, ngụ khu 9, thị trấn Cái Rồng, nuôi đến 10.000 lồng, lại được coi là “người may mắn” nhất Vân Đồn, bởi cả vùng nuôi nhà nào cũng mất trắng.
Còn ở xã Bản Sen, nơi có số hộ dân và số lượng nuôi tu hài lớn nhất huyện Vân Đồn, với hơn 2.000 ha giờ chỉ thấy những chiếc bè trôi nổi và xác tu hài chết trắng. Anh Phạm Hải Đôn, người nuôi ít nhất xã Bản Sen, cũng đã có 6.000 lồng tu hài thương phẩm đến giai đoạn thu hoạch bị chết toàn bộ.
Theo ông Lê Hồng Phương, Chủ tịch UBND xã Bản Sen, tính từ đầu tháng 5/2012 đến nay đã có trên 10 triệu con tu hài giống và tu hài thương phẩm trong xã chết. Chỉ riêng tiền con giống mà người dân xã Bản Sen đầu tư đã mất trên 34 tỷ đồng. Tính cả tiền công chăm sóc và tiền đầu tư cơ sở là hàng trăm tỷ đồng trôi theo bọt biển.
Nhưng thiệt hại lớn nhất phải kể đến các DN. Ông Hoàng Văn Cường, Giám đốc Công ty TNHH Quan Minh, cho biết: Vụ năm nay công ty thả nuôi hơn 100 ha với hơn 200.000 lồng, nhưng đã bị chết hết, thiệt hại lên đến 30 tỷ đồng. Ông Đỗ Hữu Tờ, Giám đốc Công ty TNHH Đỗ Tờ, cũng cho biết đã thiệt hại hơn 15 triệu con giống với số tiền đầu tư trên 20 tỷ đồng. Ông Hoàng Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn, cho biết chỉ riêng thiệt hại tại các DN đã lên đến 500 tỷ đồng. Nếu tính thiệt hại của cả 700 DN, hộ dân nuôi toàn huyện Vân Đồn thì đã lên đến trên 1.000 tỷ đồng.
Con giống Trung Quốc gây bệnh
Theo ông Đoàn Duy Ái, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Quảng Ninh, mặc dù nguyên nhân tu hài chết hàng loạt là các loại ký sinh trùng gồm nội ký sinh Perkinsis spp, vi khuẩn Vibrio spp, do ô nhiễm môi trường, nhưng chính nguồn giống được nhập về từ Trung Quốc không kiểm soát được khiến dịch bệnh phát triển phức tạp. Đáng chú ý là dịch bệnh lây lan trên diện rộng và không có thuốc chữa nên huyện Vân Đồn đã khuyến cáo nông dân và các DN thời dừng nuôi tu hài trong thời gian 2 năm.
Theo nhiều người dân, nếu hai năm tới không nuôi tu hài thì họ chắc chắn rơi vào thảm cảnh. Tuy nhiên, hiện nay tu hài lại không có trong danh mục hỗ trợ vật nuôi khi bị dịch bệnh. Về nguyên tắc hỗ trợ thì phải công bố dịch, xác định nguồn gốc con giống, số lượng, hóa đơn... nhưng vấn đề này xác định không dễ, vì bà con mua từ nhiều nguồn.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh, tốc độ phát triển việc nuôi tu hài ở Vân Đồn tăng quá nhanh nên nhu cầu con giống hết sức khó khăn. “Nếu từ đầu năm 2003 mới chỉ có 10 hộ nuôi thì đến nay đã có trên 20 DN và gần 700 hộ nuôi trồng tu hài với diện tích trên 10.000ha. Điều này đồng nghĩa với việc phải đáp ứng khoảng 10 triệu con giống mỗi năm. Tuy nhiên, theo chi cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quản Ninh, địa phương chỉ đáp ứng được 5 - 10% lượng con giống. Số còn lại phải nhập từ các tỉnh miền Trung và miền Nam, nhưng cũng chỉ đủ khoảng 70%, nên phải nhập con giống tu hài từ Trung Quốc qua đường tiểu ngạch.
Người nuôi tu hài ở Cát Bà chịu chung số phận
Hiện tượng tu hài chết hàng loạt cũng diễn ra tại vùng biển Cát Bà (Cát Hải, Hải Phòng). Tính từ cuối năm 2011 đến tháng 6.2012, hơn 2.000 bè nuôi tu hài đã chết. Theo Sở NN-PTNT TP.Hải Phòng, thiệt hại do tu hài chết cũng gần 200 tỷ đồng. Hiện tại nhiều hộ nuôi tu hài ở Cát Hải do không còn vốn để tái sản xuất nên gần 50% số bè bị bỏ không.