Cứ tầm tháng 10-11 âm lịch hàng năm là cá cháo lại về nhiều trên vùng biển Hà Tĩnh. Thời điểm này, một số thuyền ở xã Xuân Hội (Nghi Xuân) đã đánh bắt được dăm bảy yến. Cá cháo đầu mùa còn nhỏ, con to nhất cũng chỉ bằng ngón chân cái. Vì vậy, mỗi kg chỉ bán được từ 70-80 nghìn đồng. Vào chính vụ, cá cháo là món “khoái khẩu” của nhiều người nên có giá từ 100 - 120 nghìn đồng/kg.
Ông Nguyễn Văn Tâm (xã Cẩm Hòa, Cẩm Xuyên) cho hay: Toàn xã có 70 tàu thuyền thì có đến hơn một nửa làm nghề đánh bắt cá cháo. Vào vụ, mỗi thuyền công suất nhỏ cho thu nhập từ 60 - 70 triệu đồng chỉ sau 4 tháng khai thác. Nghề đánh bắt cá cháo khá khỏe, chỉ cần thuyền từ 15-20 CV cùng với 2 lao động ra biển chừng 5 hải lý là tiến hành thả lưới. Cứ khoảng 4h sáng, mỗi thuyền chuẩn bị lưới dong thuyền ra biển, đến 3-4 giờ chiều quay về, đưa cá cháo lên bờ.
Mới đầu mùa nhưng cá cháo đã có mặt tại một số chợ vùng quê và cả chợ tỉnh. Tuy số lượng còn ít nhưng cá cháo được xem là đặc sản, thu hút người mua. Chị Nguyễn Thị Hồng (thị trấn Xuân An) chia sẻ: “Nhà có chuyện vui nên khi nghe tin ngư dân Xuân Hội đánh bắt được cá cháo, chị chạy xe máy xuống chợ Xuân Hội mua 5 kg. Cả nhà ai cũng tấm tắc khen ngon khi được thưởng thức món lẩu cá cháo đầu mùa!”.
Theo ông Nguyễn Trọng Nhật - Trưởng phòng Quản lý khai thác và Dịch vụ hậu cần nghề cá - Chi cục Thủy sản, toàn tỉnh có 80% tàu thuyền công suất từ 20 CV trở xuống nên vào mùa cá cháo, ngư dân nghèo khắp các vùng bãi ngang rất phấn khởi vì có thể tăng thu nhập.
Cá cháo là loại thân mềm, sinh sống chủ yếu ở vùng nước nông, cách bờ tầm nửa hải lý (800 - 900m), với độ sâu 6-7 sải nước. Ngư dân thường sử dụng lưới 2 (mắt lưới khoảng 2-4 cm); thời gian buông lưới là sáng sớm, hoặc trưa, 4-5 tiếng đồng hồ sau là thu lưới. Phương tiện đánh bắt cá cháo là loại thuyền nan nhỏ, trang bị thô sơ, chỉ có lưới và máy nổ. Cá cháo thường xuất hiện trong vòng 4-5 tháng, nhất là vào những tháng trời lạnh.