Cửa biển Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời được xem là cái nôi của nghề khai thác biển. Trong khi những ngư trường truyền thống, gần bờ ngày một giảm dần tôm, cá thì một số ngư dân linh hoạt đã nhanh chóng nâng cấp tàu, thuyền, ngư cụ để tiếp tục vươn khơi. Hiện cửa biển Sông Đốc có hơn 300 chiếc tàu đánh bắt thuỷ sản xa bờ.
Linh hoạt để tồn tại và phát triển
Nhờ mạnh dạn đầu tư nâng cấp công suất tàu để tiến ra những vùng biển xa mà hiệu quả khai thác biển của gia đình ông Nguyễn Văn Tính hơn 1 năm qua luôn đạt khá cao. Ông tâm sự, kể từ khi tàu được nâng cấp công suất lên 250CV và chuyển sang lưới vây thì hiệu quả khai thác các chuyến biển cải thiện rõ nét. Từ hơn 1 năm qua, bình quân mỗi chuyến biển ông đều lãi trên 100 triệu đồng.
Rạch Gốc là một trong những cửa biển giàu tiềm năng. Để phát triển nghề truyền thống của ông cha trước những khó khăn đang bủa vây, nhiều ngư dân nơi đây không ngần ngại nâng cấp ngư cụ, chuyển đổi hình thức khai thác. Gia đình anh Nguyễn Thanh Nhanh, thị trấn Rạch Gốc là một trong những trường hợp ấy. Gia đình đã nhiều đời theo nghề lưới cá chét nổi, nhưng những năm gần đây, nghề này hoạt động không hiệu quả. Trước tình cảnh ấy, anh đầu tư trên 500 triệu đồng để chuyển từ nghề lưới cá chét nổi thành cá chét đáy.
Niềm vui được thể hiện rõ trong nụ cười hớn hở của anh khi những mẻ lưới cá đầu tiên mang về cho anh lợi nhuận gần 200 triệu đồng sau 15 ngày khai thác. Anh bộc bạch: “Trước đây, với dạo lưới dài khoảng 4 m thì một năm chỉ khai thác được 4 tháng vào mùa cá nổi, còn hiện nay dạo lưới được nâng cấp trên 20 m nên có thể khai thác quanh năm. Đặc biệt, không chỉ có cá chét mà còn bắt được nhiều loài có giá trị khác, nên hiệu quả khai thác rất cao”. Làm ăn hiệu quả, anh mở thêm vựa để thu mua nguyên liệu của ngư dân trong khu vực.
Khai thác biển được xem là ngành kinh tế chủ lực của thị trấn Rạch Gốc từ xưa đến nay. Tuy nhiên, vẫn như những cửa biển khác, các nghề chủ yếu là câu mực, cào… Vì thế, ngư dân Rạch Gốc cũng không thể thoát được những khó khăn chung. Để tồn tại, buộc họ phải thay đổi cách thức sản xuất trong điều kiện mới và câu mực đáy là hướng đi đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Lưu Văn Thọ, Chủ tịch UBND thị trấn Rạch Gốc, cho hay, nhiều ngư dân mạnh dạn đầu tư nâng cấp phương tiện để khai thác biển tầm trung và tầm xa. Đặc biệt, đã có 30 hộ chuyển từ hình thức câu mực truyền thống sang câu mực đáy và hiệu quả mang về rất cao, có hộ từ 1 phương tiện nay tăng lên 2-3 phương tiện. Ngoài ra, nghề khai thác sú mẹ hiện cũng đang hứa hẹn cho hiệu quả kinh tế cao.
“Gió mới” nơi bãi bồi
Không chỉ có nghề khai thác ngoài khơi mà vùng ven biển hiện nay cũng đang mở ra cơ hội thoát nghèo cho ngư dân. Một trong những người tiên phong khai thác được tiềm năng của khu vực bãi bồi ven biển là anh Nguyễn Văn Hôn, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) nuôi hàu lồng Đất Mũi.
Những năm gần đây, nghề nuôi hàu lồng phát triển mạnh ở một số huyện ven biển của Cà Mau, nhiều nhất là Ngọc Hiển. Toàn tỉnh hiện có khoảng 100 bè với hơn 3.000 lồng nuôi hàu, chủ yếu ở địa bàn xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển. Kể từ khi xuất hiện trên vùng đất ven biển, con hàu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều gia đình vươn lên khá, giàu.
Nhiều năm nuôi hàu trên vùng Đất Mũi, anh Hôn khẳng định, con hàu rất phù hợp với điều kiện tự nhiên nơi đây. Minh chứng là sau hơn 7 năm thành lập hợp tác xã, vụ nuôi nào cũng trúng. Từ đó, HTX không ngừng lớn mạnh, từ 25 xã viên ban đầu, giờ tăng lên 40 hộ và số lượng bè tăng gấp đôi. Làm ăn hiệu quả nên 5 hộ xã viên thuộc diện nghèo trước đây vươn lên khá giả. Đây cũng là một trong những mô hình kinh tế tập thể hiệu quả của huyện Ngọc Hiển, không chỉ góp phần giúp xã viên khấm khá mà còn giải quyết việc làm thời vụ cho rất nhiều lao động nhàn rỗi tại địa phương.
Ngoài con hàu, con nghêu cũng được đánh giá là sẽ tạo ra một “làn gió mới” cho vùng bãi bồi ven biển. Kể từ khi được hợp nhất 16 HTX thành HTX nuôi nghêu Đất Mũi, những hoạt động xung quanh con nghêu đang đi vào ổn định và hứa hẹn phát triển từ vùng bãi bồi rộng hơn 3.000 ha kéo dài từ kinh Ô Rô đến Rạch Mũi, xã Đất Mũi.
“HTX hoạt động nhằm cải thiện thu nhập, đời sống Nhân dân vùng bãi bồi, đặc biệt là hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số không đất sản xuất tại địa phương. Phương châm hành động vì dân nghèo ấy đã tháo gỡ được những bất đồng, xung đột tồn tại dai dẳng nhiều năm liền tại vùng nghêu Khai Long, được hầu hết xã viên của HTX nuôi nghêu Đất Mũi đồng tình ủng hộ”, ông Lê Vũ Sánh, Chủ nhiệm HTX nuôi nghêu Đất Mũi, chia sẻ.
Kể từ khi đi vào hoạt động ổn định, HTX không chỉ khoanh vùng nuôi nghêu, được khai thác nghêu giống mà còn tổ chức ương nghêu cám trở thành nghêu giống cung cấp cho thị trường. Nguồn thu ấy được chia đều cho các xã viên theo tỷ lệ góp vốn. Để hoạt động HTX ngày càng đi vào nền nếp, có chiều sâu, ông Sánh cho biết thêm, trong hoạt động khai thác giống, đơn vị ưu tiên xã viên là những hộ đồng bào dân tộc có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo không đất sản xuất. Xã viên nghèo khai thác nghêu giống sẽ được hưởng toàn bộ giá trị sản phẩm lao động của mình. Về lâu dài, nếu tổ chức sản xuất tốt, nghêu thịt và nguồn lợi nghêu giống Đất Mũi sẽ giúp người dân giảm nghèo bền vững.
Về định hướng phát triển lâu dài cho nghề khai thác, ông Lưu Văn Thọ phấn khởi cho biết, tỉnh đang đầu tư xây dựng khu neo đậu tàu thuyền cùng với cầu Năm Căn, khi hoàn thành sẽ nối liền với Quốc lộ 1, đây là điều kiện thuận lợi để nghề khai thác biển phát triển. Ngoài ra, thị trấn đã quy hoạch khu dành cho phát triển các dịch vụ hậu cần nghề cá, thành lập HTX chế biến tôm khô, vận động các hộ kinh doanh phát triển các loại ngư cụ phù hợp với thực tế khai thác theo từng mùa.
Tuy đã có những hình thức khai thác mới, mô hình nuôi trồng tiêu biểu mang lại hiệu quả kinh tế cao từ biển, nhưng nhìn một cách tổng thể bức tranh kinh tế biển thì những điểm chấm phá ấy vẫn còn khá mờ nhạt. Để biển thật sự trở thành “bạc” cần nhanh chóng tìm lời giải cho “bài toán” vốn./.