Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2023 ước đạt 9,2 tỷ USD. Trong đó, tập trung vào các mặt hàng tôm (3,45 tỷ USD), cá tra (1,9 tỷ USD), nhuyễn thể (0,8 tỷ USD), cá ngừ (0,9 tỷ USD). Hiện cả nước có hơn 8.000 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản với tổng sản lượng năm 2023 đạt 322 tỷ con.
Về diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2023 ước đạt 1,3 triệu ha nuôi nội địa và 9,5 triệu m³ lồng nuôi biển. Nuôi nước lợ đạt tổng diện tích khoảng 920 nghìn ha, sản lượng 1,496 triệu tấn, trong đó tôm sú đạt 274 nghìn tấn và tôm thẻ chân trắng đạt 845 nghìn tấn. Nuôi thủy sản nước ngọt 380 nghìn ha, sản lượng khoảng 3,122 triệu tấn. Trong đó, diện tích thả nuôi cá tra đạt 5.700 ha, sản lượng đạt 1,71 triệu tấn, tăng 0,6% so với năm 2022. Cá rô phi: diện tích nuôi 30 nghìn ha, sản lượng 270 nghìn tấn, tăng 3,8% so với năm 2022. Ngoài ra, nuôi hỗn hợp và thủy sản khác đạt diện tích khoảng 344 nghìn ha, sản lượng 1,142 triệu tấn, tăng 1,1%.
Về quản lý tàu cá và cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá, công bố mở 80 cảng cá đủ điều kiện hoạt động (3 cảng cá loại I, 60 cảng cá loại II và 17 cảng cá loại III). Công bố 52 cảng cá đủ điều kiện hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác; 65 cảng cá cho tàu cá vùng khơi cập cảng. Công bố 76 khu neo đậu tránh trú bão năm 2023 với tổng sức chứa khoảng 50.000 tàu.
Mục tiêu năm 2024
Trên cơ sở kết quả đạt được trong năm 2023, đồng thời dựa trên những phân tích, dự báo và đánh giá nhận diện những thuận lợi, khó khăn trong năm 2024, ngành thủy sản đã đặt ra mục tiêu cụ thể như: diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 1,3 triệu ha; tổng sản lượng thủy sản hơn 9,27 triệu tấn, trong đó sản lượng khai thác hơn 3,5 triệu tấn, sản lượng nuôi trồng hơn 5,6 triệu tấn (tăng 5% so với ước năm 2023). Kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt 9,5 tỷ USD.
Về nuôi trồng thủy sản, cần rà soát kiểm soát chặt chẽ chất lượng, nguồn gốc con giống, thức ăn dinh dưỡng, kiểm soát giá cả vật tư đầu vào phục vụ sản xuất. Đặc biệt, cần có giải pháp kiểm soát an toàn sinh học trong nuôi trồng sản xuất thủy sản, đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường tiêu thụ.
Ngoài các đối tượng chủ lực hiện nay, cần quan tâm thúc đẩy phát triển đến những đối tượng thủy sản mang tính đặc trưng, đặc sản có giá trị cao của vùng miền để phát huy hết những tiềm năng lợi thế của từng địa phương.
Đối với lĩnh vực khai thác, cần đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ để nâng cao giá trị, giảm tổn thất sau thu hoạch. Mặt khác, cần có giải pháp để kiểm soát giá cả vật tư đầu vào để nâng cao hiệu quả trong sản xuất giúp người dân ổn định sản xuất, đặc biệt trong bổi cảnh khó khăn như hiện nay.
Đối với công tác chống khai thác IUU, tăng cường công tác xử lý vi phạm trong khai thác thủy sản, triển khai rộng rãi truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử trên toàn quốc; đồng thời xử phạt nghiêm các trường ợp vi phạm.