Sáng nay (17/9), tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội thảo tăng cường công tác quản lý sinh vật ngoại lai xâm hại tại Việt Nam.
Các loài sinh vật ngoại lai xâm hại là mối đe dọa đối với các hệ sinh thái tự nhiên và đa dạng sinh học bản địa. Thời gian gần đây, do quá trình toàn cầu hóa, với sự gia tăng các hoạt động thương mại, du lịch, vận chuyển hàng hóa xuyên biên giới đã tạo cơ hội cho sự du nhập, lan truyền của nhiều sinh vật ngoại lai.
Theo thống kê chưa đầy đủ, đã có 20 loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại xuất hiện ở nước ta, gây tác động lên tài nguyên môi trường, đa dạng sinh học, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, nhất là gây thiệt hại cho trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản.
Tại hội thảo, các đại biểu thảo luận các biện pháp nhằm giảm thiểu những tác động bất lợi của sinh vật ngoại lai ở Việt Nam. Trong đó chú trọng đến các biện pháp tăng cường năng lực quản lý sinh vật ngoại lai xâm hại như phân loại giám định, phát hiện sớm sự xâm nhập của sinh vật ngoại lai, đồng thời nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý và cộng đồng dân cư về các loài sinh vật này.
Ông Lã Tuấn Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Tài nguyên di truyền thực vật, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho rằng: “Chúng ta phải nhìn ở tầm cao hơn nữa về mặt chiến lược. Vì việc đào tạo nâng cao nhận thức cộng đồng chỉ là một phần, ngoài ra còn một nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách, các văn bản pháp luật, nghị định, về cơ sở vật chất cũng phải tăng cường. Nếu chỉ bàn về vấn đề đào tạo thôi thì rất đơn giản”.
Cùng với tăng cường các biện pháp quản lý, điều quan trọng hơn là cần có các giải pháp cụ thể để ngăn chặn sự xâm nhập của những loài sinh vật ngoại lai xâm hại. Trên thực tế, đến nay những loài sinh vật ngoại lai xâm hại như ốc bươu vàng, rùa tai đỏ, đã xuất hiện từ lâu song các cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn./.