Đầu tiên do những ảnh hưởng từ sự cố môi trường biển hồi đầu tháng 4 vừa qua đã gây ra nhiều thiệt hại nặng nề cho bà con. Tại thời điểm đó, chỉ tính riêng ở thôn Hải Tiến, thị trấn Thuận An, đã có hơn 30 hộ nuôi cá bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong số đó, có gia đình ông Phan Thảo ở tổ dân phố Tân An.
Ông Thảo cho biết, gia đình có 2 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản sát cửa biển Thuận An. Khi mới đầu tư hơn 100 triệu đồng thả nuôi tôm, cua và các loại cá đặc sản như cá dìa, cá hồng, cá nâu… sau khi sự cố môi trường xảy ra, hàng loạt thủy sản của gia đình đã chết nổi trắng cả mặt lồng.
Sau một thời gian, từ những hỗ trợ tích cực về vốn của ngành Ngân hàng, bà con ngư dân ở địa phương đã đầu tư trở lại cho nghề cá lồng truyền thống, cũng là kế sinh nhai chính của bà con.
Thế nhưng, với việc tiêu thụ cá trên thị trường gặp khó, do những tâm lý e ngại của người tiêu dùng, giá thu mua sụt giảm gần một nửa so với thời điểm xảy ra sự cố, khiến nghề nuôi cá lồng ở Thuận An vẫn chưa thể phục hồi. Trong những ngày này, ở khu vực cửa biển Thuận An nhiều gia đình như “ngồi trên đống lửa”, khi hàng trăm lồng cá đã qua thời kỳ thu hoạch nhưng bán ra thị trường rất nhỏ giọt.
Ông Nguyễn Văn Cường, một hộ nuôi cá lồng ở đây cho biết với 3 lồng cá, trừ chi phí mỗi vụ ông lãi ròng 30 triệu đồng. Thế nhưng, năm nay bán hết cá rồi, không tính chi tiêu 6 tháng qua, ông còn lỗ gần chục triệu đồng tiền mua thức ăn nuôi cá. Trước đây, với các loại cá có giá trị kinh tế cao, như: mú, hồng, nâu… giá cá bán tại gốc từ 300 đến 500 ngàn đồng/kg, nhiều gia đình như ông Cường “sống khỏe” với nghề nuôi cá lồng.
Chưa bao giờ người nuôi cá lồng ở Thuận An lại điêu đứng như hiện nay. Cá không bán được nên mỗi chủ ao hồ đều phải vay mượn tiền ngân hàng từ vài chục đến cả trăm triệu đồng để mua thức ăn cho cá. Nhiều hộ chưa bán được cá đang cố tiết kiệm chi phí bằng cách giãn bữa ăn của cá từ mỗi ngày 2 lần xuống còn 1 lần, thậm chí 2 ngày mới cho cá ăn. Những hộ đã bán hết cá thì đang tính chuyện tạm dừng nuôi.
Theo thống kê của UBND thị trấn Thuận An, địa phương có 250 hộ nuôi cá lồng ở các thôn, Minh Hải, Hải Thành, Hải Bình, An Hải và Hải Tiến. Không chỉ ở Thuận An, rất nhiều hộ nuôi cá lồng ở Thừa Thiên - Huế cũng đang đứng ngồi không yên.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên - Huế, ngoài diện tích ao hồ nuôi trồng thủy sản ven cửa biển Thuận An, hiện địa bàn toàn tỉnh có gần 3.900 lồng lưới nuôi cá tại các vùng cửa biển, trong đó ngoài Thuận An còn tập trung nhiều ở cửa Tư Hiền, cửa Lăng Cô… với các loại có giá trị kinh tế cao như, cá giò, cá hồng mỹ, cá hồng đỏ, mú, dìa, chẽm.
Điều đáng nói, trong khi một số ngư dân ở địa phương đã lên kế hoạch tái sản xuất sau khi nhận được tiền đền bù từ sự cố môi trường biển thì hàng trăm hộ nuôi cá lồng vẫn gặp khó khăn vì chưa nằm trong diện được đền bù.
Để hỗ trợ các hộ nuôi cá lồng sớm vượt qua những khó khăn hiện nay, theo ông Hồ Viết Nhuận, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Vang, rất cần có sự kết nối với những cơ sở thu mua, chế biến thủy sản ở các tỉnh, thành lân cận để giúp người nuôi cá đặc sản mở rộng thị trường đầu ra tiêu thụ, hạn chế thấp nhất thiệt hại do ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển.
Về lâu dài, cá nuôi trên hệ thống đầm phá được đánh giá là sạch, vì thế ngoài hỗ trợ thiệt hại cho ngư dân, các ban ngành cần tăng cường tuyên truyền, “khơi thông” tâm lý e ngại, tăng cường bán lẻ tại các chợ, tìm kiếm đầu ra ổn định cho bà con.