Những “cú hích” trong phát triển nuôi trồng thủy sản Việt Nam dưới cái nhìn của một người trong cuộc – Phần 1

Tôi may mắn được gắn bó với ngành nuôi trồng thủy sản (NTTS) nước nhà trong hơn 40 năm. Những thành tựu đạt được của NTTS Việt Nam ngày nay đã làm vui lòng những người gắn bó với ngành và gây ngạc nhiên đối với nhiều bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, NTTS nước ta cũng đã có những bước thăng trầm; trong đó có những “cú hích” có tác động thúc đẩy NTTS phát triển lên một tầm cao mới ở những thời điểm khác nhau. Đi với NTTS qua cùng năm tháng, cá nhân tôi cho rằng là những “cú hích” dưới đây là đáng ghi nhận hơn cả.

cá tra giống
Đàn cá tra giống - một trong những "cú hích" đưa thủy sản Việt Nam vươn tầm quốc tế.

Cá trê phi (Clarias gariepinus) và con lai

De Kimpe P., một nhà nghiên cứu người Pháp làm việc tại Viện Cirad – Agritrop và đã từng là chuyên gia tại nhiều nước Châu Phi, đã giới thiệu cá trê phi (với tên khoa học ban đầu là Clarias lazera) vào Việt Nam. Trong một đợt công tác đến nước ta vào đầu tháng 4/1974, ông đã mang theo khoảng 500 cá trê phi giống. Đến sân bay Tân Sơn Nhất chỉ có trên 100 cá còn sống. Cá sau đó được nuôi giữ tại Trại Dưỡng ngư Thủ Đức – Sài Gòn.

Sau ngày 30/4/1975, cơ sở này được tiếp quản bởi Tổng cục Thủy sản (với tên gọi Ao cá Bác Hồ) và trực thuộc Viện khảo cứu Thủy sản Miền Nam (tiền thân của Viện nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 2 (Viện 2) ngày nay).

Năm 1977, trong một lần cải tại ao, các cán bộ của viện phát hiện còn một số cá trê phi. Các chuyên gia của Trạm nghiên cứu cá nước ngọt Đình Bảng (tiền thân của Viện nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 1 (Viện 1) ngày nay), những người đã cho sinh sản thành công cá trê đen (Clarias fuscus), được mời vào Nam để cho sinh sản cá trê phi.

Năm 1979, tuy số lượng cá giống thu được ban đầu ít nhưng viện đã chia sẻ cho một số cơ sở đào tạo; trong đó Khoa Thủy sản Trường ĐH Nông nghiệp IV (tiền thân của Trường ĐH Nông Lâm – Tp. Hồ Chí Minh ngày nay) nhận được 20 con. Từ số cá này, các giảng viên của khoa đã sản xuất giống thành công cá trê phi và đã phát tán cá giống đến người nuôi ở nhiều địa phương. Đồng thời, quy trình sản xuất giống cá trê phi cũng được lan truyền đến nhiều hộ sản xuất giống chuyên cũng như không chuyên. Cá trê phi là loài cá dễ nuôi: ăn tạp, tăng trưởng nhanh và ít bị bệnh. Từ sự thành công trong sản giống nhân tạo, phong trào nuôi cá trê phi đã phát triển khắp cả nước và đã đóng góp rất lớn trong việc tạo ra nguồn thu nhập cho người nuôi cá cũng như cung cấp thực phẩm thủy sản cho người dân trong giai đoạn đất nước còn nhiều khó khăn về kinh tế. Do đặc điểm hình thái và mô hình nuôi cá kết hợp với chuồng trại nuôi heo đã làm cho việc tiêu thụ cá trê phi giảm dần.

cá trê phi
Đầu tháng 4/1974, loài cá trê có nguồn gốc từ các nước châu Phi lần đầu được đưa đến Việt Nam. Ảnh: Arthur Chapman.

Trong một lần cho cá trê vàng (Clarias macrocephalus) sinh sản, do thiếu cá đực, các giảng viên của Khoa Thủy sản đã sử dụng buồng tinh của cá trê phi để gieo tinh cho trứng cá trê vàng. Sau khi được ương và nuôi tại khoa, con lai đã cho thấy có hình thái gần với cá trê vàng và giữ được ưu điểm tăng trưởng nhanh của cá trê phi. May mắn thay, cá trê lai đã được người tiêu dùng chấp nhận rộng rãi. Từ đó phong trào sản xuất giống và nuôi cá trê lai đã phát triển rộng khắp với trung tâm sản xuất cá bột là Tp. Hồ Chí Minh, trung tâm ương cá giống là huyện Cai Lậy -Tiền Giang và vùng nuôi tập trung là các tỉnh miền Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Ngày nay, nuôi cá trê lai đã đi vào “thoái trào” ở nước ta khi nguồn cung cấp cá nước ngọt trở nên đa dạng với nhiều loài bản địa như cá sặc rằn, cá lóc, cá rô đồng,… Sản xuất cá trê lai hiện nay chủ yếu để xuất khẩu sang Campuchia bằng con đường tiểu ngạch.

Từ Việt Nam, cá trê phi đã phát tán đến các nước Đông Nam Á khác như Thái Lan, Indonesia, Malaysia và đã thúc đẩy nghề nuôi cá trê, đặc biệt cá trê lai, ở các nước này. Ở Thái Lan, nuôi cá trê lai đã đạt sản lượng 52.680 tấn với giá trị 43,616 triệu USD vào năm 1997, giá cá kích cỡ lớn thường cao hơn cá nhỏ. Nhìn chung, nghề nuôi cá trê lai hiện nay cũng đã suy giảm ở các nước nói trên.

Cá rô phi dòng GIFT và cá rô phi đỏ

Loài cá “rô phi” đầu tiên được giới thiệu đến Việt Nam là Oreochromis mossambicus từ Châu Phi vào năm 1951 và từ Philippines vào năm 1955. Cá được đặt tên như vậy đơn giản vì nó giống cá rô đồng bản địa và do nguồn gốc phân bố. Cá còn được gọi là cá rô phi mozambica, cá rô phi đen, cá rô phi cỏ, có lẽ do tên khoa học, màu sắc và tập tính sống. Cá ít có xương dăm, cộng với tập tính ăn tạp - chủ yếu là mùn bã hữu cơ, ít bệnh, sống được trong nước lợ và đặc biệt có thể tự sinh sản trong ao nên cá nhanh chóng được người tiêu dùng chấp nhận và nuôi phổ biến. Cá rô phi đen được coi là thực phẩm của người nghèo. Do cá có tuổi thành thục sớm (sinh sản lần đầu vào khoảng 3 tháng tuổi) và “mắn đẻ” (21 ngày cá cái sinh sản 1 lần) dẫn đến ao nuôi bị tình trạng dày đặc (quá nhiều cá), thiếu thức ăn và kích thước cá thương phẩm nhỏ. Năm 1973, loài cá thứ hai (Oreochromis niloticus) được nhập vào miền Nam từ Đài Loan và được gọi là cá rô phi vằn/Đài Loan theo màu sắc và nguồn di nhập. Loài này còn được nhập từ Philippines vào năm 1989 và từ Thái Lan vào năm 1994. Do có tốc độ sinh trưởng cao, chậm thành thục và tần suất sinh sản thấp nên kích thước cá thương phẩm lớn, cá rô phi vằn đã dần thay thế cá rô phi đen trong các ao nuôi. Tuy nhiên, do thiếu sự quản lý tốt, nhất là sau khi đất nước được thống nhất, hai loài cá này đã lai nhau và dần cho ra con lai chậm lớn và có kích thước thương phẩm nhỏ. Điều này đã làm “nản lòng” những người nuôi cá rô phi. Tình trạng này cũng xảy ra ở nhiều nước Châu Á có nuôi cá rô phi.

cá rô phi GIFT
Cá GIFT với nhiều ưu điểm đã khôi phục phong trào nuôi cá rô phi. 

Năm 1988, dự án “Cải thiện di truyền cá rô phi nuôi” (Genetically Improved Farmed Tilapia, GIFT) được tài trợ kinh phí bởi Ngân hàng Phát triển Á Châu (ADB) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (United Nations Development Programme, UNDP), và được triển khai bởi Trung tâm Quốc tế về Quản lý các Nguồn lợi Thủy sản Sống (International Center for Living Aquatic Resources Management, ICLARM - tiền thân của WorldFish ngày nay), AKVAFORSK (Na-Uy) và các đối tác ở Philippines. Dự án được thực hiện thông qua sinh sản chọn lọc từ 8 dòng cá rô phi vằn (Egypt, Ghana, Kenya, Senegal, Israel, Singapore, Taiwan và Thái Lan) nhằm cải thiện tốc độ sinh trưởng. Năm 1994, cá GIFT thế hệ thứ 4 được nuôi đánh giá ở Philippines, Việt Nam, Bangladesh, Trung Quốc và Thái Lan. Kết quả cho thấy, cá GIFT có tốc độ sinh trưởng cao hơn dòng cá rô phi đang nuôi tại các nước trên. Đến cuối dự án vào năm 1997, cá GIFT thế hệ thứ 6 đã có tốc độ sinh trưởng cao hơn 85% so với các dòng cá ban đầu. Thông qua dự án ‘Phát tán và Đánh giá cá GIFT ở Châu Á’ (Dissemination and Evaluation of Genetically Improved Tilapia Species in Asia, DEGITA), Viện 1 đã nhận được 20.000 cá giống GIFT từ 106 gia đình của thế hệ thứ 5 vào năm 1997 để tiếp tục chọn lọc và cho ra dòng cá thương phẩm với tên NOVIT. Tương tự, Viện 2 cũng đã nhận được 1.200 cá giống GIFT từ 50 gia đình của thế hệ thứ 10 vào năm 2006 để tiếp tục chọn lọc. Năm 2001, Bộ Thủy sản (cũ) đã có Chương trình phát tán cá GIFT đến các địa phương trong cả nước. Với ưu điểm lớn nhanh và kích thước thương phẩm lớn, cá GIFT đã trở thành “động lực” khôi phục phong trào nuôi cá rô phi và là một nguồn thực phẩm quan trọng cho người tiêu dùng trong nước.

Năm 1990, cá rô phi đỏ (red tilapia) lần đầu tiên được giới thiệu đến Việt Nam từ Viện Công nghệ Á Châu (Asian Institute of Technology, AIT – Thái Lan), như là quà tặng cho Khoa Thủy sản Trường ĐH Nông Lâm Tp.HCM (KTS-ĐHNL) và Khoa Thủy sản Trường ĐH Cần Thơ (KTS-CT). Năm 1993, Nông trường dừa Thủ Đức Tp.HCM cũng đã nhập cá rô phi đỏ từ Malaysia. Tuy nhiên, ở thời điểm này cá rô phi đỏ chưa được tiếp nhận bởi người tiêu dùng do màu sắc lạ. Nhiều nông dân đã thử mua cá giống rô phi đỏ về nuôi nhưng không thể bán cá thương phẩm. Năm 1997, một công ty của Đài Loan thuê ao của Trại cá giống Bình An (ở Tân Vạn – Bình Dương) để nuôi cá rô phi đỏ với con giống nhập từ Đài Loan. Cá thương phẩm sau đó được người của công ty giới thiệu tới các nhà hàng với tên “điêu hồng/diêu hồng” – Việt hóa của từ “rô phi đỏ” trong tiếng Trung (妮罗红 - ni luo hong). Với tên gọi mới và nguồn gốc cá nuôi, cá rô phi đỏ đã trở thành “đặc sản” với giá bán cao gấp nhiều lần cá rô phi thường, và phong trào nuôi cá rô phi đỏ đã nhanh chóng phát triển với các hình thức nuôi ao và lồng/bè. Ngày nay, cá rô phi đỏ đã trở lại giá trị thực của nó và được sử dụng phổ biến bởi người tiêu dùng.

Cá điêu hồng
Với tên gọi mới “điêu hồng/diêu hồng” - cá rô phi đỏ từng được bán với giá cao gấp nhiều lần cá rô phi thường. 

Năm 1995, ba cơ quan đào tạo và nghiên cứu của Việt Nam là KTS-ĐHNL, KTS-CT và Viện 1 có điều kiện tiếp cận công nghệ sản xuất giống rô phi toàn đực (đơn tính đực), bằng phương pháp cho cá bột chưa biệt hóa giới tính ăn thức ăn có chứa hormone sinh dục đực 17α-methyltestosterone (MT), với việc cử cán bộ tham gia tập huấn tại AIT. Cùng năm, với sự hỗ trợ kinh phí của Sở KH, CN & MT thành phố Hồ Chí Minh, KTS-ĐHNL đã tiến hành triển khai đề tài “Nghiên cứu qui trình sản xuất giống rô phi toàn đực ở Thành phố Hồ Chí Minh” nhằm cải tiến công nghệ của AIT cho phù hợp với điều kiện Việt Nam. Ðề tài đã được KTS-ĐHNL bảo vệ thành công năm 1996.

ấp trứng rô phi
Hệ thống ấp trứng cá rô phi trong qui trình sản xuất cá rô phi toàn đực.

Từ năm 1997, đặc biệt vào các năm 2002-2004, KTS-ĐHNL đã chuyển giao quy trình này cho nhiều đơn vị của các địa phương từ nam Trung bộ đến ĐBSCL với sự tài trợ kinh phí từ hợp phần “Hỗ trợ NTTS nước ngọt” (Support to Freshwater Aquaculture, SUFA - Fisheries Sector Programme Support, FSPS) và thông qua dự án “Chuyển giao quy trình sản xuất giống rô phi đơn tính đực” của Trung tâm Khuyến ngư Quốc gia (cũ); trong khi Viện 1 triển khai dự án ở các tỉnh phía Bắc. Cùng với các dòng cá GIFT và rô phi đỏ, qui trình sản xuất cá rô phi toàn đực đã thúc đẩy nghề nuôi cá rô phi của nước ta phát triển lên trình độ thâm canh và định hướng xuất khẩu. Đầu thập niên 2000s, Isdotilapia – công ty liên doanh giữa Israel và Đồng Tháp – là doanh nghiệp đầu tiên nuôi cá rô phi đỏ toàn đực trong lồng để xuất khẩu. Công nghệ sản xuất giống cá rô phi toàn đực bằng phương pháp xử lý cá với hormone MT (cho ăn và ngâm) đã thúc đẩy việc tìm kiếm các công nghệ sản xuất giống cá rô phi toàn đực với các phương pháp không sử dụng hormone như lai giữa cá đực rô phi xanh (Oreochromis aureus) với cá cái rô phi vằn (O. niloticus) hay sử dụng cá siêu đực (supermale, YY) cho sinh sản với cá cái. Ngày nay, có rất ít cơ sở sản xuất giống rô phi toàn đực do cá rô phi chủ yếu được tiêu thụ nội địa.

Cá tra

Nuôi cá tra (Pangasius (Pangasianodon) hypophthalmus), với con giống tự nhiên, có lẽ là hoạt động nuôi trồng thủy sản lâu đời nhất của người dân vùng ĐBSCL vào những năm 1950s. Đồng thời với cá tra, nuôi cá basa (Pangasius bocourti) trong bè, với con giống tự nhiên, ở ĐBSCL cũng đã được thực hiện bởi các Việt kiều trở về từ Campuchia vào những năm 1960s. Vào cuối thập niên 1970s, trước hiện trạng nguồn giống tự nhiên ngày càng giảm sút, ý tưởng sản xuất giống nhân tạo cá tra đã được khởi động bởi KTS-ĐHNL với việc sưu tập cá bố mẹ từ những ao nuôi ở ĐBSCL. Tuy nhiên, hoạt động này đã không thể đi xa hơn nghiên cứu về đặc điểm sinh học cá tra do thiếu thốn trang thiết bị.

Nghiên cứu sản xuất giống cá tra đã được Viện 2 triển khai vào đầu những năm 1980s. Kỹ thuật kích thích cá sinh sản với não thùy hay “kích dục tố nhau thai người” (human chorionic gonadotropin, HCG) và giữ cá bột trên bể cho đến khi tiêu hết noãn hoàng trước khi đưa xuống ao ương, đã được áp dụng phổ biến trên nhóm cá chép Trung Quốc ở miền Bắc, được áp dụng trên cá tra. Tuy nhiên, nghiên cứu sản xuất giống cá tra gặp “nút thắt cổ chai” (bottleneck) là tỷ lệ sinh sản của cá bố mẹ, tỷ lệ thụ tinh và tỷ lệ sống của cá bột rất thấp. Thậm chí chuyên gia Trung Quốc cũng được mời sang tham gia cho cá tra đẻ nhưng cũng không có giải pháp cho các trở ngại trên. 

cá tra Việt Nam
Nuôi cá tra có lẽ là hoạt động nuôi trồng thủy sản lâu đời nhất của người dân vùng ĐBSCL. 

Dự án “Cá da trơn Châu Á” (Catfish Asia) với đối tượng nghiên cứu là các loài thuộc họ cá trê (Claridae) và cá tra (Pangasiidae) được tài trợ bởi Bộ Ngoại giao Pháp và triển khai bởi các viện trường của Pháp, Indonesia và Việt Nam. Các đối tác của phía Việt Nam bao gồm KTS-ĐHNL, KTS-ĐHCT và Công ty AGIFISH – An Giang. Dự án được khởi động với việc thăm viếng của 2 nhà khoa học Pháp của ORSTOM (L’ Institut francais de recherche scientifique pour le développement en coopération) và CIRAD (Centre de coopération internationale en recherche agronomique pour le développement) vào năm 1992 và việc cử 2 sinh viên Pháp đến Việt Nam điều tra về hiện trạng nuôi cá lồng/bè vào năm 1993. Sau khi tốt nghiệp, 1 sinh viên Pháp tiếp tục tham gia dự án “Cá da trơn Châu Á”, bắt đầu vào năm 1994, với tư cách nghiên cứu sinh. Ở Việt Nam, dự án tập trung vào sản xuất giống nhân tạo cá basa và cá tra.

Năm 1996-1997, dựa trên kinh nghiệm kích thích cá Pangasius djambal sinh sản ở Indonesia, kỹ thuật tiêm nhiều liều sơ bộ và xác định mode (kích thước) noãn bào trước khi tiêm liều quyết định đã nâng cao tỷ lệ sinh sản và thụ tinh của cá basa và cá tra. Ngoài ra, như một sự tình cờ, việc đưa ấu trùng xuống ao ương sớm đã nâng cao tỷ lệ sống của cá tra bột do hạn chế được hiện tượng “ăn nhau”. Kỹ thuật kích thích sinh sản và ương cá tra “cải tiến” đã nhanh chóng được “lan truyền” và thúc đẩy sự thành lập các trại cá tra giống tư nhân. Như một hệ quả, nghề ương giống và nuôi cá tra thương phẩm nhanh chóng phát triển. Cùng với những “cải tiến” trong sử dụng nguyên liệu của thức ăn tự chế, sản xuất thức ăn viên - mà đi đầu là Công ty Proconco (liên doanh giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Pháp), và phương thức nuôi - từ nuôi bè và nuôi đăng quầng (giảm dần từ năm 2004) đến nuôi ao sâu và tích cực thay nước, sản phẩm cá tra Việt Nam đã dần được khắc phục những hạn chế như thịt vàng, mùi hôi (off-flavor),… để trở thành mặt hàng thủy sản đáp ứng được các tiêu chuẩn nhập khẩu của nhiều nước. Năm 2019, sản phẩm cá tra đã được xuất khẩu đến 131 thị trường trên thế giới. Thành công trong kích thích sinh sản cá tra và basa đã là động lực cho các nghiên cứu sinh sản nhân tạo các loài cá khác thuộc họ Pangasiidae như cá bông lau (P. krempfi), cá tra nghệ (P. kunyit), cá hú (P. conchophilus), cá vồ đém (P. larnaudii) cá vồ cờ (P. sanitwongsei),… cũng như các loài cá bản địa khác.

Mời bạn đọc tiếp tục theo dõi phần 2 vào ngày 10/4/2021!

Đăng ngày 09/04/2021
NTC @ntc
Góc nhìn

Kinh tế tuần hoàn với giải pháp nội tại ngành tôm

Chuyên gia Huỳnh Quốc Tịnh ở Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam) phân tích giải pháp tiếp cận đối với sản phẩm tôm theo định hướng kinh tế tuần hoàn bằng việc thực hiện tuần hoàn trong nội tại ngành tôm.

Khu nuôi tôm
• 10:17 26/04/2024

Ban Bí thư chỉ thị quyết tâm gỡ “thẻ vàng” trong năm 2024

Ngày 10/4/2024, bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương ký Chỉ thị số 32-CT/TW về việc về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) và phát triển bền vững ngành thuỷ sản.

Tàu cá Việt Nam
• 10:24 24/04/2024

Công nghệ nuôi cá “sông trong ao”

Ngày 22/4/2024, Trường Thủy sản - Đại học Cần Thơ phối hợp Hội đồng xuất khẩu đậu nành Hoa Kỳ (USSEC) tổ chức hội thảo về công nghệ nuôi cá “sông trong ao”. Tham dự có Hiệu trưởng Trường Thủy sản Vũ Ngọc Út và nhiều giảng viên, chuyên gia, đại diện các doanh nghiệp, hộ nuôi cá ĐBSCL.

Cá rô phi
• 10:13 24/04/2024

Nuôi tôm giảm phát thải từ nguồn gốc

Nuôi tôm-rừng và tôm-lúa có nhiều ưu điểm nhưng vẫn sinh ra khí CH4 tác động xấu tới môi trường và con tôm. Nên giảm phát thải từ nguồn gốc sinh ra là vấn đề trong nuôi tôm, qua chia sẻ của Tiến sỹ Lê Quang Huy là Phó tổng Bộ phận Tôm giống – Nuôi tôm – Công nghệ sinh học của Tập đoàn.

Nuôi tôm-lúa
• 10:26 22/04/2024

Hội chứng chết sớm EMS trên tôm và giải pháp phòng ngừa hiệu quả.

Nuôi tôm không phải là một công việc dễ dàng. Trong quá trình nuôi tôm thường xuất hiện rất nhiều loại bệnh khác nhau. Một trong số đó là EMS, hay Hội chứng chết sớm, còn được gọi là AHPNS hoặc Hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính.

Tôm nhiễm bệnh
• 05:05 27/04/2024

Sự phục hồi của thị trường tôm sú

Tôm sú đang trải qua thời kỳ phục hưng, đặc biệt là ở Ấn Độ và Trung Quốc. Tuy nhiên, các chuyên gia như Ida Skancke của Kontali và Tiến sĩ Manoj Sharma cho rằng, việc loại bỏ tôm thẻ chân trắng là vẫn còn quá sớm và thật ngốc khi thực hiện điều đó.

Tôm sú
• 05:05 27/04/2024

Kinh tế tuần hoàn với giải pháp nội tại ngành tôm

Chuyên gia Huỳnh Quốc Tịnh ở Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam) phân tích giải pháp tiếp cận đối với sản phẩm tôm theo định hướng kinh tế tuần hoàn bằng việc thực hiện tuần hoàn trong nội tại ngành tôm.

Khu nuôi tôm
• 05:05 27/04/2024

Bình Định: Tập huấn phòng chống dịch bệnh trong nuôi thủy sản

Sáng ngày 25.4, Chi cục Chăn nuôi và Thú y ( Sở NN&PTNT Bình Định) phối hợp UBND xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ tổ chức tập huấn tuyên truyền phòng chống dịch bệnh thủy sản cho cán bộ phụ trách thủy sản và 40 hộ dân nuôi trồng thủy sản của 3 thôn Xuân Bình Nam, Hưng Lạc và Hưng Tân.

Ao nuôi tôm
• 05:05 27/04/2024

Một số loại lưới che nắng cho ao tôm tiết kiệm chi phí

Tại các tỉnh ở Đồng Bằng Sông Cửu Long đang phát triển mô hình nuôi tôm công nghệ cao, siêu thâm canh, đem lại hiệu quả rõ ràng và mở ra hướng đi mới cho ngành nuôi tôm. Với đặc thù khí hậu nhiệt đới quanh năm tác động lớn đến quá trình sinh trưởng và phát triển của tôm. Do đó, việc tìm kiếm các phương pháp để che mát cho ao nuôi trở nên vô cùng quan trọng.

Ao tôm
• 05:05 27/04/2024