Ngày 5-10, Bộ NN&PTNT vừa hoàn thành thành đề án xác định thiệt hại để bồi thường, hỗ trợ, khôi phục, phát triển sản xuất và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.
Người dân trực tiếp bị ảnh hưởng nặng nề sau sự cố
Theo đó Bộ NN&PTNT thống kê những thiệt hại liên quan sau sự cố và những tác động đến hoạt động khai thác hải sản. Cụ thể tổng số tàu thuyền khai thác hải sản của 4 tỉnh là 16.444 chiếc, trong đó có 14.474 tàu có công suất dưới 90CV và 1.970 tàu có công suất trên 90CV với khoảng 50.000 người bị ảnh hưởng trực tiếp và 176.334 người phụ thuộc.
Trong số đó cụ thể đối với những người khai thác hải sản ở vùng biển ngoài 20 hải lý có tổng số có 1.970 tàu khai thác hải sản xa bờ (có công suất từ 90CV trở lên) và 15.800 lao động trực tiếp, từ ngày 6-4-2016 chỉ có 50-80% tàu tham gia khai thác, tuy nhiên giá bán sản phẩm khai thác bị giảm nghiêm trọng.
Đối với các tàu về khai thác hải sản ở vùng biển trong 20 hải lý, tàu khai thác hải sản lắp máy dưới 90CV có 9.212 tàu (trong đó tàu lắp máy từ 20 đến dưới 90CV là 2.249 tàu) bị ảnh hưởng dẫn đến hơn 90% tàu phải nằm bờ và trên 46.060 lao động trực tiếp không có việc làm ổn định và thu nhập thấp; năng suất khai thác rất thấp (bằng khoảng 10% so với trước thời gian xảy ra sự cố môi trường.
Đánh bắt, tiêu thụ nuôi trường thủy hải sản bị giảm sút nghiêm trọng sau sự cố Formosa Hà Tĩnh hồi tháng 4-2016
Ngoài ra đối với tàu khai thác hải sản không lắp máy có 5.262 tàu bị ảnh hưởng phải nằm bờ do ảnh hưởng của sự cố môi trường; có trên 13.150 lao động trực tiếp không có việc làm và không có thu nhập. Theo Bộ NN&PTNT sản lượng hải sản khai thác ở vùng biển trong 20 hải lý bị thiệt hại ước tính khoảng 3.200 tấn/tháng.
Chưa dừng lại ở những tác động đến hoạt động đánh bắt khai thác thủy hải sản, hoạt động nuôi trồng thủy sản cũng suy giảm, trong đó diện tích nuôi tôm bị chết hoàn toàn là 5,7 ha tương đương 9 triệu tôm giống và khoảng 7 tấn tôm thương phẩm sắp đến kỳ thu hoạch.
Trên 3.000 ha nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh đã thả giống nhưng không thể lấy nước bổ sung do chất lượng nước không an toàn dẫn đến độ mặn trong ao tăng cao, môi trường suy giảm nên tôm chậm lớn, xuất hiện bệnh và có trên 350 ha nuôi tôm bị chết rải rác. Có 3.218 lồng nuôi cá bị chết (khoảng 49.884m3) tương đương 1.000 tấn cá.
Sự cố môi trường Formosa còn gây ra nhiều khó khăn trong quá trình tiêu thụ sản phẩm thủy hải sản. Giá bán các sản phẩm hải sản giảm mạnh (trung bình từ 20-30% so với cùng kỳ năm 2015). Đặc biệt, việc tiêu thụ sản phẩm hải sản từ thị trường của 4 tỉnh bị ảnh hưởng giảm sút nghiêm trọng. Các tổ chức, cá nhân kinh doanh hải sản đã hạ giá bán, thậm chí chấp nhận bán lỗ nhưng vẫn khó tiêu thụ trên thị trường.
Bồi thường thiệt hại...dự kiến 12.100 tỷ đồng
Đề án bồi thường thiệt hại được Bộ NN&PTNT dự kiến là 12.100 tỷ. Cụ thể kinh phí bồi thường thiệt hại: 6.500 tỷ đồng; Kinh phí xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát và cảnh báo môi trường biển: 500 tỷ đồng; Phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản, rạn san hô, thảm cỏ biển: 920 tỷ đồng; kinh phí thành lập Quỹ Tái tạo nguồn lợi thủy sản cấp tỉnh: 300 tỷ đồng"
Kinh phí để thực hiện các chính sách: 2.280 tỷ đồng; Dự phòng kinh phí bồi thường thiệt hại: 1.000 tỷ đồng; Ngân sách nhà nước và nguồn khác: 600 tỷ đồng; Kinh phí để thực hiện các chính sách: 500 tỷ đồng; Kinh phí hành chính thực hiện Đề án: 100 tỷ đồng. Toàn bộ kinh phí bồi thường của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa sẽ được giải ngân và quyết toán kết thúc trước ngày 31 tháng 12 năm 2019.
Đề án của Bộ NN&PTNT cũng xác định hệ sinh thái rạn san hô bị ảnh hưởng nhiều nhất do sự cố môi trường, trong phạm vi dải ven bờ từ Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đến Hải Vân - Sơn Chà (Thừa Thiên Huê) với mức độ khác nhau, tùy thuộc vào những nhóm loài nhạy cảm và độ phong phú của chúng ở khu vực đó.
Tác động của sự cố môi trường đến hệ sinh thái rạn san hô thể hiện ở 3 khía cạnh: suy giảm về thành phần giống loài, phạm vi phân bố và suy giảm về độ phủ san hô sống ở hầu hết các mặt cắt khảo sát so với thời điểm trước khi sự cố xảy ra bị chết hoàn toàn.
Theo Bộ NN&PTNT, ở thời điểm quan trắc tháng 4 và 5, tất cả điểm khảo sát san hô ven bờ có tỷ lệ chết cao. Cụ thể, ở Hòn Sơn Dương có tỷ lệ san hô chết cao nhất (90%), tỉ lệ san hô sống sót chỉ còn 3,75%. Đây là khu vực gần nhà máy Formosa nên có mức độ ảnh hưởng cao nhất.