Gia đình anh Trần Văn Huy ở thôn 5, xã Hòa Sơn có 1 sào ao nuôi cá. Trước đây gia đình anh chủ yếu nuôi các loại cá quen thuộc như: mè, trắm, rô phi… theo phương pháp cũ, nhằm chủ yếu phục vụ cho gia đình.
Từ khi tham gia mô hình, gia đình anh được cán bộ Trạm Khuyến nông huyện hướng dẫn kỹ thuật cải tạo ao hồ và phương pháp nuôi cá diêu hồng thương phẩm, đồng thời hỗ trợ thả hơn 24 kg cá giống (tương đương với 2.400 con cá giống), vôi bột, cám công nghiệp… Sau 7 tháng chăm sóc, tỷ lệ cá sống đạt 72%, mỗi con có trọng lượng từ 4 – 6 lạng/con. Với giá thị trường hiện nay (40.000 - 42.000 đồng/kg) tính ra gia đình anh thu lãi từ 15 - 16 triệu đồng.
Cùng được thụ hưởng từ mô hình cá diêu hồng do Trạm Khuyến nông huyện triển khai, gia đình ông Đào Hạnh ở thôn 10, xã Khuê Ngọc Điền được hỗ trợ thả 15 kg cá giống, đến kỳ thu hoạch, với tỷ lệ cá sống khá cao nên năng suất dự kiến sẽ đạt hơn 1,5 tấn.
Ông Hạnh cho biết: “Cá diêu hồng là loại cá mới nuôi đối với nhiều người dân huyện Krông Bông. Tuy nhiên với đặc tính gần giống cá rô phi, ăn tạp, dễ chăm sóc, thời gian sinh trưởng ngắn, đẻ dày, thịt cá ít xương, thơm ngon, đem lại hiệu quả kinh tế cao, được nhiều người tiêu dùng ưa thích… vì vậy sau khi tham gia mô hình nuôi cá diêu hồng thương phẩm, gia đình tôi quyết định sẽ tiếp tục nuôi loại cá theo hình thức kinh doanh…”.
Được biết, trong năm 2012, Trạm Khuyến nông huyện Krông Bông đã đầu tư 73 triệu đồng xây dựng mô hình nuôi cá diêu hồng với 0,41 ha mặt nước ao, hồ của 7 hộ gia đình tại 3 xã: Hòa Sơn, Hòa Lễ, Khuê Ngọc Điền. Qua 7 tháng đưa vào áp dụng, bình quân mỗi sào ao nuôi cá diêu hồng cho người dân thu trên 3 tấn, trừ chi phí người dân thu lãi gần 20 triệu đồng.
Đặc biệt, đối với những hộ dân tiếp tục chăm sóc chờ đến thời gian giáp tết hoặc sau tết giá cá tăng cao, lợi nhuận thu được sẽ còn lớn hơn.