Tàu buông neo, vịnh Bái Tử Long, một kỳ quan thiên nhiên hiện ra bởi hàng trăm đảo lớn nhỏ như nổi trên bao la nước biếc xanh in bóng trời tầng tầng mây trắng. Bái Tử Long tuyệt đẹp kém gì vịnh Hạ Long, quần thể sinh thái còn đa dạng và hoang dã, là điểm đến hấp dẫn bậc nhất.
Bờ dần xa. Trên vịnh, ven các đảo hiện ra trùng trùng điệp điệp những hình những khối như từng chiếc gối vuông vức ngay ngắn trên mặt nước xếp dài giống hàng ngàn hàng vạn tiểu chiến thuyền chạy theo tàu du khách. Thì ra là những chiếc phao nối dài lớp này lớp khác theo dây nuôi hàu trên vịnh Bái Tử Long.
Tiến sỹ Vũ Văn In, Giám đốc Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1, RIA1) nói, trên vịnh Bái Tử Long, tỉnh Quảng Ninh có thể không cho phép người dân nuôi cá vì lo sợ thức ăn tươi sống gây ô nhiễm ảnh hưởng đến du lịch, riêng nuôi hàu thì tỉnh lại khuyến khích. Đơn giản hàu là loài ăn lọc thân thiện, mỗi cá thể hàu chính là một “nhà máy lọc” thu nhỏ loại bỏ tảo, sinh vật phù du, làm trong sạch môi trường.
Mỗi cá thể hàu chính là một “nhà máy lọc”
Hôm trước, tại Cát Bà – Hải Phòng, tôi gặp anh Vương Oanh, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Ninh khi anh đến Trung tâm Quốc gia giống hải sản miền Bắc đặt vấn đề hợp tác cải tiến giống hàu cho Quảng Ninh, chống thoái hóa, cận huyết.
Con hàu anh nói là hàu nuôi biển hay hàu Thái Bình Dương, hiện đang là con nuôi cứu cánh, ngày một làm giàu cho dân biển vùng Đông Bắc.
Anh cho biết diện tích nuôi hàu Thái Bình Dương của Quảng Ninh hiện đã đạt trên 3.000ha, sản lượng mỗi năm gần 20.000 tấn và đối tượng nuôi này đã giúp hàng ngàn hộ đổi đời, nhất là khu vực huyện đảo Vân Đồn. Nói con hàu cứu cánh bởi trước đó xảy ra chuyện người dân nuôi tu hài thua lỗ nặng khi chúng liên tục mắc chứng bệnh sưng vòi chết hàng loạt.
Thu hoạch hàu
Khi chuyển sang nuôi hàu biển cuộc sống người dân ổn định trở lại. Dân đúc kết nuôi hàu biển dường như không hề gặp bất kỳ rủi ro nào. Con hàu làm môi trường trong sạch hơn, đầu tư thấp và nuôi rất nhàn chẳng cần phải cho ăn hay nuôi nấng gì, một đồng vốn bỏ ra ban đầu cuối vụ thu lãi đến một nửa hoặc hơn.
***
Bản Sen huyện đảo Vân Đồn nơi chúng tôi đến chính là nơi khởi nguồn cho con hàu Thái Bình Dương có mặt ở nước ta. Nó được Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 đưa từ nước ngoài về nuôi thử nghiệm năm 2006.
Bể nghiên cứu giống hàu.
Đặc điểm của hàu Thái Bình Dương là nuôi ở các vùng biển xa, hải đảo, biển mênh mông tiềm năng vô cùng, khác với con hàu ta còn gọi hàu cửa sông chỉ nuôi được vùng nước có độ mặn thấp.
Hàu Thái Bình Dương lớn nhanh, tỷ lệ thịt so với khối lượng vỏ cao hơn nhiều so với hàu cửa sông, hình dạng đẹp và đồng đều, đáp ứng tốt thị hiếu người dùng.
Năm 2007, Cty TNHH Đầu tư Phát triển Sản xuất Hạ Long (BIM Group) cùng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 1 bàn hợp tác nuôi biển, chủ đề ban đầu là nuôi cá, nhưng thống nhất cuối cùng lại là đối tượng mới, con hàu Thái Bình Dương, Viện 1 giúp đỡ giống cùng kỹ thuật.
Ngay năm đó Tập đoàn BIM rót vốn đầu tư nuôi tới 200ha hàu tại Bản Sen, huyện đảo Vân Đồn, từ đây mở ra chân trời mới cho con hàu Thái Bình Dương lan tỏa khắp Quảng Ninh đến Hải Phòng, vào tận miền Trung, miền Nam. Giờ đây hàu Thái Bình Dương trở thành đối tượng nuôi biển chủ lực, là món ăn quen thuộc, phổ biến ở các nhà hàng.
Anh Vươn, cán bộ kỹ thuật của công ty BIM kể chuyện: Xuất phát điểm người ta nuôi hàu bằng những dàn bè tre. Khi đó mỗi năm BIM nuôi 700 bè, sản lượng vài ngàn tấn. Mô hình nuôi hàu biển đầu tiên với quy mô lớn của công ty BIM tại Bản Sen lập tức khiến người dân trong vùng ngỡ ngàng, rồi cứ thế con hàu Thái Bình Dương được nhân rộng ra khắp huyện đảo Vân Đồn, khắp Quảng Ninh, cả nước.
Về sau người ta nhận ra dùng bè tre nuôi hàu chỉ được 3 - 4 năm bè hỏng phải đầu tư lại tốn kém. Thay cho bè tre họ dùng dây thừng chịu mặn sợi dài trên 200m đóng cọc hai đầu gắn phao nổi trên thân để treo dây nuôi.
Anh Vươn cho biết cùng mức đầu tư xấp xỉ nhau nhưng nuôi hàu bằng giàn dây tuổi thọ được ít nhất trên 10 năm. Từ đó dân Vân Đồn đồng loạt bỏ dần bè tre chuyển sang nuôi hàu bằng giàn dây gắn phao nổi mà nhìn từ xa như ngàn vạn tàu thuyền siêu nhỏ trắng xóa Bái Tử Long rất lạ mắt.
Người dân còn sáng tạo đưa con ngao hai cùi nuôi trong rổ treo nuôi ghép cùng với hàu Thái Bình Dương để tận dụng chi phí đầu tư giàn dây.
“Tầng nước trên nuôi hàu, tầng dưới nuôi ngao hai cùi. Đây là mô hình nuôi sáng tạo, rất hiệu quả”, Phạm Hồng Nhiệm, cán bộ kỹ thuật Trạm Bản Sen, Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc nói.
Anh Nhiệm kể vanh vách những tỷ phú nuôi hàu ở Vân Đồn, nào Nguyễn Triều Dương nào An nào Tuyển, họ ngày một thêm nhiều.
Nuôi hàu bằng giàn dây tuổi thọ được ít nhất trên 10 năm.
Phổ biến mỗi hộ có 30, 40 đường dây treo nuôi hàu, cứ mỗi dây treo khoảng 700 chùm hàu giống, sau 8 tháng thả nuôi thu 2 - 4 tấn hàu thương phẩm/đường dây. Hộ nuôi nhiều thả đến 100, 200, 300 giàn dây, thu mỗi năm cả ngàn tấn hàu và hàng trăm tấn ngao hai cùi, doanh thu cả chục tỷ đồng.
***
Con hàu Thái Bình Dương làm thay đổi nhiều vùng nuôi biển Quảng Ninh nhưng không thể lạm dụng nó mãi mà cần nuôi thưa bền vững cho hàu nhanh lớn và hơn hết cần những chương trình đầu tư chọn tạo lại giống hàu. Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Ninh, anh Vương Oanh cảnh báo: Năng suất hàu có dấu hiệu giảm. Người nuôi sử dụng giống tràn lan, hầu hết không có nguồn gốc xuất xứ, chất lượng giảm sút nghiêm trọng.
Chở hàu về đất liền tiêu thụ.
Ngay tại công ty BIM, anh Vươn, cán bộ kỹ thuật cho biết trước kia mỗi chùm giống 12 vỏ treo nuôi cuối vụ thu 5 - 6kg hàu thì nay năng suất giảm còn chỉ được một nửa. Nguyên do các vùng thả nuôi dày lên và đáng ngại nhất là giống không đảm bảo chất lượng, bị thoái hóa nghiêm trọng, ảnh hưởng lâu dài đến nghề nuôi hàu.
Tiến sỹ Vũ Văn In, Giám đốc Trung tâm Quốc gia giống hải sản miền Bắc nói chất lượng giống hàu giảm sút là sự báo động nhìn thấy rất rõ. Theo anh In, không riêng giống hàu mà bất kỳ giống cây trồng hay con nuôi gì cũng phải quan tâm nguồn gốc xuất xứ chứ không để thả nổi chất lượng và vấn đề này cần các cơ quan quản lý Trung ương đến địa phương quy định trách nhiệm rõ ràng hơn, mạnh tay hơn.
“Phía Trung tâm chúng tôi đang tập hợp các quần đàn tốt nhất, thu thập, đánh giá đa dạng di truyền, duy trì theo dõi các phả hệ, thiết lập gia đình và hiện đang có 100 gia đình rất tốt. Cần quyết tâm phục hồi lại giống hàu như trước đây và dần nâng cấp nó lên”, Tiến sỹ In nói.
Trước thực trạng giống hàu, phía Quảng Ninh đã cử đoàn đến hợp tác với Trung tâm để chuyển giao những gia đình hàu tốt nhất đưa ra sản xuất giống đại trà ngay.
“Chúng tôi là cơ quan lưu giữ đàn giống gốc, nhiều năm hợp tác chặt chẽ với các tổ chức quốc tế hàng đầu trong nghiên cứu giống hàu, cán bộ có kinh nghiệm. Mong muốn ở đây là xây dựng mô hình trình diễn, đào tạo sản xuất giống và chuyển giao cho các tỉnh nuôi biển”, Tiến sỹ In nêu quan điểm.