Trong nội địa, người nuôi cá tra phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm môi trường, dịch bệnh thường xuyên xảy ra và chi phí thức ăn cao do phụ thuộc nhiều vào nguồn nhập khẩu nguyên liệu.
Bên cạnh đó, sự biến động của thị trường thế giới, đặc biệt là do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đã làm giảm nhu cầu xuất khẩu, khiến cho giá cá tra giảm sâu, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của người nuôi.
Thách thức được nhắc đến trong bài viết này là vấn đề đất đáy ao bị bào mòn nghiêm trọng và kém màu mỡ làm ảnh hưởng đến năng suất cá nuôi. Ở đây, các nhà nghiên cứu tiến hành đo lường tầm ảnh hưởng của tuổi thọ ao nuôi đến chất lượng đất, chất lượng nước, mật độ tảo đáy, và sự tăng trưởng của cá tra.
Một thí nghiệm được tiến hành ngoài trời theo thiết kế ngẫu nhiên với bốn mức tuổi ao: Ao từ 0-5 năm (P1), 6-10 năm (P2), 11-15 năm (P3), và 16-20 năm (P4). Đất là loại Typic Palaeudult (Ultisol), và cá được nuôi ở 4 ao trong vòng ba tháng. Dễ thấy các thông số chất lượng hóa học của đất và hàm lượng chất hữu cơ trong đất tăng theo tuổi ao, dẫn đến cải thiện các thông số chất lượng nước. Tuy nhiên, mức tăng cao nhất lại ở các ao P1, P2, P3, ao P4 dù có hàm lượng cao nhưng mức tăng trưởng lại ít nhất.
Người nuôi cá tra phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm môi trường, dịch bệnh. Ảnh: Tép Bạc
Ảnh hưởng của tuổi ao đến chất lượng nước
Về các thông số chất lượng nước cho thấy nhiệt độ không quá khác biệt ở 4 ao. Tuổi ao không ảnh hưởng đến độ pH của nước, và pH phù hợp cho cá ở tất cả các ao. Ngoài ra, nồng độ oxy hòa tan cao nhất ở ao P3 (11-25 năm) là 4.05 mg/L, nồng độ này vẫn là thấp đối với sự phát triển của cá tra. Sự tăng hàm lượng nitrat và photphat trực tiếp ảnh hưởng đến sự màu mỡ của tảo đáy. Sự tăng tỷ lệ C/N tích lũy trong đất cũng gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản lượng cá. Các thông số này phản ánh sự thay đổi trong chất lượng đất và ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của cá. Kết quả nghiên cứu cho thấy các ao có tuổi cao, với quản lý phù hợp, sẽ hoạt động như một bể chứa dinh dưỡng, dẫn đến tăng sản lượng nuôi cá tra. Sự tăng sinh của tảo đáy và chất lượng sinh học khác cũng được ghi nhận cao hơn ở các ao có tuổi cao hơn, từ đó cải thiện sự phát triển của phiêu sinh thực vật dựa trên sự tăng cường của các chất dinh dưỡng trong nước.
Ảnh hưởng của tuổi ao lên sản xuất cá
Tuổi ao cũng đã được chứng minh là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sản lượng cá. Ao P3, với tuổi từ 11-15 năm, cho thấy sản lượng cá cao nhất, điều này có thể được giải thích bởi chất lượng nước tốt hơn và sự phong phú của tảo đáy cung cấp nguồn thức ăn tự nhiên tốt cho cá. Sự cân bằng của các chất dinh dưỡng trong nước, như được điều chỉnh bởi chất lượng đất, chính là yếu tố then chốt cho sự phát triển tối ưu của cá.
Tuổi của ao nuôi cá tra tác động đáng kể đến chất lượng đất đáy ao và chất lượng nước. Ảnh: Tép Bạc
Các thông số sản xuất cá bao gồm tổng sản lượng, tỷ lệ sống sót, và tỷ lệ chuyển đổi thức ăn (FCR) cho thấy ao P3 (tuổi 11-15 năm) có kết quả tốt nhất với sản lượng cao nhất, tỷ lệ sống sót cao nhất và FCR thấp nhất, nên hiệu quả sử dụng thức ăn ở đây là tốt nhất, với tỷ lệ tăng trưởng cụ thể là 3.76%/ngày, tỷ lệ sống sót 66.7%, và tỷ lệ chuyển đổi thức ăn là 1.8%.
Tuổi của ao nuôi cá tra tác động đáng kể đến chất lượng đất đáy ao và chất lượng nước, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến sự phong phú của tảo đáy và sản lượng cá. Việc quản lý tốt, bao gồm bón vôi định kỳ và loại bỏ bùn đáy ao sau mỗi vụ thu hoạch, có thể duy trì hiệu quả sản xuất cá trong các ao từ 11-15 năm tuổi. Kết quả này hy vọng sẽ hỗ trợ chính sách phát triển nghề nuôi cá tra và góp phần vào sự phát triển kinh tế của toàn ngành nuôi trồng thủy sản.