Dữ liệu phân tích từ các chuyên gia
Theo phân tích của FISH4ACP hợp tác với viện nghiên cứu và phát triển xã hội (ISRAD) cho thấy sản lượng hàu được nuôi tại các rừng ngập mặn hàng năm ở Gambia ước tính khoảng 7.000 tấn. Sản xuất hàu đa phần sử dụng kỹ thuật thủ công và sử dụng khoảng 1.000 lao động, hầu hết là phụ nữ. Hàu được bán chủ yếu tại các chợ ở địa phương với doanh số bán hàng được duy trì ổn định mặc dù giá cả có phần tăng. Ước tính đạt 260 tấn thịt hàu chế biến trị giá khoảng 1,3 triệu USD (gần bằng 30.3 tỷ VND).
FISH4ACP - một sáng kiến phát triển chuỗi giá trị cá toàn cầu của OACPS do FAO (Tổ chức nông lương Liên Hợp Quốc) thực hiện với sự tài trợ của Liên minh Châu Âu (EU) và bộ hợp tác và phát triển kinh tế Liên bang Đức (BMZ). Sáng kiến này đã khởi đầu các hoạt động ở Gambia vào đầu năm 2022 với những phân tích toàn diện về chuỗi giá trị hàu. Các chuyên gia thảo luận về cách để kích thích tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy công bằng xã hội nhằm phát triển một chiến lược nâng cấp cho ngành hàu trở nên bền vững hơn. Theo đó, cuộc thảo luận cũng sẽ tập trung vào các biện pháp giải quyết những lo ngại về vấn đề suy giảm trữ lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và tác động đến môi trường của việc sử dụng quá nhiều tài nguyên thiên nhiên trong công nghiệp sản xuất và chế biến hàu.
Người đứng đầu hợp tác của phái đoàn EU tại Gambia cho rằng phải đảm bảo sự thịnh vượng về kinh tế và lợi ích xã hội mà không làm tổn hại đến môi trường là trọng tâm của chương trình nghị sự phát triển bền vững mà liên minh Châu Âu ủng hộ. Dự án này là một ví dụ thực tế về các chương trình hợp tác của EU trong lĩnh vực phát triển bền vững trong thủy sản.
Hàu được xem là nguồn kinh tế cho người dân vùng ven biển. Ảnh: thefishsite.com
Đại diện FAO thông tin thêm, các nghiên cứu này sẽ trở thành định hướng cho những nỗ lực của FISH4ACP trong việc hỗ trợ quốc gia này trên con đường hướng tới một hệ sinh thái bền vững, mở ra cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân vùng ven biển, nhất là lao động nữ.
Vai trò quan trọng của việc nuôi hàu biển
Do được thúc đẩy mạnh mẽ bởi những nhu cầu từ địa phương, ngành sản xuất hàu ở Gambia mang lại cơ hội kinh tế và lợi ích xã hội, đặc biệt là tạo công ăn việc làm cho những người phụ nữ nơi đây, theo một phân tích được trình bày vào ngày 29 tháng 6 của các chuyên gia và các bên liên quan, họ thảo luận và tìm cách đảo ngược sự suy giảm về nguồn cung ứng hàu trong khi cải thiện an toàn và giảm thiểu khí thải CO2.
Nuôi hàu ở những nơi ngập mặn là một ngành sản xuất thủ công quy mô nhỏ có giá trị lớn đối với vấn đề an ninh lương thực và tạo dựng sinh kế sản xuất cho phụ nữ. Cần làm cho nguồn nuôi hàu trở nên vững chắc, đồng thời cải thiện độ an toàn và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Việc nuôi hàu còn góp phần cải thiện chất lượng nguồn nước nhờ vào khả năng lọc sinh học, chúng đã góp phần xử lý làm sạch các cặn bã hữu cơ, hạn chế ô nhiễm. Do đó, ngoài việc nuôi hàu mang lại cho cư dân miền ven biển một nghề nuôi trồng mới dễ nuôi, chi phí thấp, thu nhập cao so với một số nghề nuôi trồng khác, chúng còn mở ra một triển vọng tốt trong việc góp phần phục hồi môi trường sinh thái rừng ngập mặn đang bị tàn phá.