Phát huy lợi thế tự nhiên
Gia đình anh Quang có 30ha đầm nước lợ ven sông Lạch Tray, nuôi tôm, cua, cá và khai thác rau câu từ năm 1988. Vùng đầm này chỉ cách cửa sông hơn 2km, trước đây, tôm cá tự nhiên lúc nào cũng sẵn, chủ đầm chỉ khoanh đầm và thu hoạch.
Dần dần, do ô nhiễm môi trường nước cùng việc khai thác tận diệt thủy sản, nguồn lợi tự nhiên không còn nhiều như trước. Các hộ có đầm trong vùng đều chuyển sang nuôi tôm công nghiệp, chỉ có anh Quang vẫn giữ đầm nuôi tự nhiên. Bởi anh “muốn giữ lấy phong cảnh tự nhiên này, phát huy nó, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ tự nhiên”.
Nếu trước đây, gia đình anh chỉ bỏ công thu hoạch thì nay phải thả thêm giống tôm sú, cua biển. Chúng hoàn toàn ăn thức ăn trong tự nhiên, bởi khu đầm nằm sát sông Lạch Tray, nước lưu thông thường xuyên mang theo nguồn thức ăn phong phú của vùng cửa sông.
Mỗi năm, anh Quang thả 1 - 2 triệu con giống, trong đó giá tôm sú giống khoảng 300 - 400 nghìn đồng/10.000 con, cua 5 - 6 triệu đồng/10.000 con. Chủ đầm chỉ thả giống xuống đầm rồi chờ ngày thu hoạch, không cho ăn thêm hoặc áp dụng biện pháp kỹ thuật nào. Tôm nuôi 4 tháng thì cho thu hoạch, cua cần 7 - 8 tháng. Nếu thời tiết thuận lợi, tôm cua cho thu khoảng 2 tấn/năm. Bởi sống hoàn toàn dựa vào tự nhiên nên tôm, cua trong đầm thịt rất chắc, ngọt và thơm. Cũng vì thế mà sản phẩm được giá, trung bình 300 - 350 nghìn đồng/kg tôm hoặc cua, cao hơn sản phẩm nuôi công nghiệp.
Đặc biệt, anh Quang còn thử nghiệm, nuôi thành công nhiều giống cá biển và cá nước ngọt trong môi trường nước lợ của đầm. Chúng đều trở thành đặc sản. Trong đó phải kể đến cá rô phi ta.
Cá rô phi ta sống trong nước lợ
Loài này sống trong nước ngọt, được anh Quang “thuần hóa” dần để nó có thể sống trong nước lợ. Cách thức rất đơn giản: “Vào mùa mưa, nước lợ trong đầm ngọt dần, đem thả cá vào đầm, để chúng sống trong nước qua nhiều độ mặn khác nhau trong năm thì dần dần chúng sẽ “thuần”, anh Quang chia sẻ kinh nghiệm. Ngoài ra, anh còn nuôi thành công nhiều loài cá đặc sản khác như cá rìa, cá hói…
Ngoài nuôi thủy hải sản, anh Quang còn khai thác rau câu tự nhiên trong đầm. Nước vùng cửa sông có hàm lượng phù sa cao nên “nuôi” rau câu rất tốt. Đầm của gia đình anh Quang nằm trong số hiếm hoi các đầm còn rau câu trên địa bàn phường Hải Thành trong bối cảnh diện tích nuôi trồng rau câu của Hải Phòng thu hẹp do quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nguồn nước bị ô nhiễm, nhiều đầm chuyển sang nuôi tôm công nghiệp.
Xuất bán rau câu tươi
Anh nắm được một số kỹ thuật đơn giản để rau câu phát triển. Chẳng hạn, độ sâu nước phù hợp khoảng 50 - 60cm, độ mặn 17 - 20‰. Mỗi khi thu hoạch xong, cần để chân rau bám vào đất thì khi tháo nước vào, rau câu sẽ phát triển nhanh hơn là để rau lơ lửng.
Trước đây, đầm cho thu khoảng 1.000 tấn rau câu mỗi năm nhưng vài năm gần đây, chỉ thu được khoảng 400 - 500 tấn. Chủ đầm xuất bán rau câu tươi cho các cơ sở chế biến rau câu trên địa bàn Hải Phòng, một phần xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản với giá 1.200 đồng/kg.
Kết hợp du lịch sinh thái
Hai năm nay, anh Quang gây dựng khu đầm thành một khu du lịch sinh thái. Bên cạnh khu đầm mênh mông lác đác những lùm cây sú, vẹt, anh Quang cải tạo dải đất ven đầm, sát bờ sông để trồng rau, hoa, cây ăn trái. Đất phù sa cửa sông cho rau quả ở đây một hương vị rất đặc trưng.
Vườn cây bên ao cá của anh Quang
Khách không chỉ được tham quan đầm, câu tôm cá, vớt rau câu mà còn được thưởng thức những món ăn từ sản phẩm tại chỗ, do chính tay chủ đầm chế biến.
Vì cách nuôi trồng dựa vào tự nhiên nên nếu thuận lợi, anh Quang thu về hàng tỷ đồng mỗi năm, nhưng nếu thời tiết bất thường, thiệt hại cũng rất lớn. Theo anh Quang, hiệu quả khu đầm “phụ thuộc 70% vào thiên nhiên”. Vài năm qua, thời tiết thất thường nên sản lượng thu hoạch thấp. Có năm bão về, ngập hết cả đầm, anh mất trắng mấy trăm triệu đồng tiền giống. Nếu mưa nhiều thì độ kiềm trong nước cao, nắng nhiều thì nước bị nóng, tôm cua đều chết.
Vì thế, anh Quang mong những chủ đầm như anh có thể tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi, bởi nghề nuôi trồng thủy hải sản hiện nay cần vốn lớn trong khi rủi ro rất cao.
Ông Ngô Quang Thắng - Phó Chủ tịch UBND phường Hải Thành cho biết, gia đình anh Quang là hộ sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn phường. Trong khi hầu hết các đầm ven sông Lạch Tray đã chuyển sang nuôi tôm công nghiệp, mô hình nuôi thủy sản quảng canh kết hợp du lịch sinh thái của anh Quang là mô hình đầu tiên và duy nhất trên địa bàn phường hiện nay.