Trong báo cáo mới trên chuyên san Invertebrate Biology, các nhà hải dương học tại Viện Nghiên cứu Hải dương vịnh Monterey cho hay, sinh vật có bề ngoài quái dị trên đã lần đầu tiên được tìm thấy bằng thiết bị thăm dò tự hành ở độ sâu hơn 3,6 km tính từ mặt nước biển.
“Chúng tôi chỉ biết sửng sốt. Chưa ai từng thấy sinh vật này trước đây”, website OurAmazingPlanet dẫn lời Lonny Lundsten, chuyên gia sinh vật không xương sống của viện nghiên cứu trên.
Sau đó, các chuyên gia thu thập được 2 mẫu Chondrocladia lyra, tức tên khoa học của bọt biển đàn hạc, và quay lại cảnh sinh hoạt của 10 cá thể khác.
Những ngạnh gai bao phủ phần thân giúp bọt biển giữ lại các loài giáp xác bị trôi dạt do ảnh hưởng từ các luồng hải lưu dưới biển sâu, và sau đó nó bao bọc con mồi trước khi hấp thu chúng.
Các nhà nghiên cứu cho rằng có vẻ như bọt biển đàn hạc phát triển cấu trúc đa nhánh của nó để gia tăng khu vực giăng mồi và bắt mồi hiệu quả hơn.