Chuyến biển này, ông Thành ở xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, trúng nhất so với hàng chục người trong thôn ra biển đánh bắt thủy sản. Để có thành quả đó, ông thức dậy từ 4h, chèo thuyền thúng ra xa cách bờ gần 2 km hành nghề.
Giữa biển nước mênh mông, thuyền thúng tròng trành, nhưng bằng kinh nghiệm hơn 30 năm đánh bắt cá gần bờ, ông chọn vùng biển nước sâu 3 m. Tấm lưới dài hơn 700 m, rộng 2,5 m, mỗi mắt lưới rộng 4 cm, phía trên gắn phao, phía dưới gắn chì được ông thả xuống tạo thành hàng dài trên biển.
Sau 30 phút thả lưới, ông chèo thuyền kiểm tra, nơi nào có cá mắc thì phao chìm. Ông bắt đầu thu một đầu lưới và thả xung quanh nơi cá mắc nhiều. "Cá khoai đi ăn theo đàn, khi phát hiện chúng mắc nhiều thì thả vòng ngoài để bắt được nhiều hơn", ngư dân 50 tuổi chia sẻ kinh nghiệm đánh bắt.
Sau một tiếng, ông Thành thu gom và gỡ cá để lên thuyền. Những mẻ lưới tiếp theo được ông thả xuống biển cho đến 9h sáng cùng ngày cập bờ. Đưa thuyền lên khỏi mặt nước, vợ ông đến phụ giúp mang hải sản để trên bãi cát phân loại.
Mẻ lưới cuối cùng cá mắc nhiều, ông Thành mang vào bờ, cùng với con gái gỡ cá và sắp xếp tấm lưới gọn gàng để tiếp tục cho chuyến biển hôm sau. "Tổng số cá khoai tôi bắt được gần 20 kg, thương lái thu mua 80.000-100.000 đồng/kg. Ngoài ra, tôi còn bắt được cá trích, cá mòi, tôm, ghẹ...", ông nói và cho hay nghề này vô chừng, có hôm trúng luồng cá đánh bắt được nhiều, có hôm chỉ đủ ăn cho gia đình.
Sau khi đưa vào bờ, vợ các ngư dân phân loại hải sản để bán. Ảnh Đắc Thành
Ông Phạm Minh Thiện, 67 tuổi, trú xã Bình Minh, cũng đi từ 4h sáng đến 9h đánh bắt được 5 kg cá khoai và một số hải sản khác, bán được hơn 500.000 đồng. Trong thôn ông có hàng chục người chèo thuyền thúng ra vùng biển địa phương bắt cá. Một số đến vùng biển xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên, đánh bắt được nhiều hơn.
Từ tháng 12 đến tháng 1 năm sau, khi biển động, cá khoai vào gần bờ sinh trưởng. Các mùa còn lại, biển êm, chúng ra ngoài khơi ở. "Mới đầu vụ đã đánh bắt được nhiều, hy vọng năm này trúng cá khoai", ông Thiện nói. Do loại cá này mềm, khi gỡ lưới và phân loại phải nhẹ nhàng, nếu không sẽ bị nát, bán giá thấp.
Để đánh bắt cá khoai, ngư dân phải đầu tư tấm lưới hơn 6 triệu đồng, thuyền thúng 10 triệu và nếu gắn máy thêm 10 triệu. Lưới dùng một năm thì hỏng, thuyền thúng thường xuyên sửa chữa bằng cách bôi dầu tránh nước vào. "Làm nghề này vất vả, tờ mờ sáng trời sương lạnh đã phải ra biển. Ngồi trên thuyền thúng, sóng đánh bắn nước lên ướt sũng người. Đôi tay tiếp xúc nước thường xuyên trắng bệch, nhiều lúc bị cua ghẹ cắn chảy máu", ông Thiện nói. Nhiều lúc gặp gió lớn, sóng mạnh đánh lật thuyền, có người đã tử nạn.
Cá khoai (còn gọi là cá cháo) thân mềm, trước kia chỉ đánh bắt về làm thức ăn cho gia súc, gia cầm. 10 năm trở lại đây, loài này được thị trường ưa chuộng. Tại xã Bình Minh, thương lái thu mua chủ yếu bán ra Đà Nẵng. Cá khoai có thể chế biến nhiều món như nấu canh rau cải với ớt, kho rau răm, làm lẩu...