Săn chình “thuỷ quái”
Trong ngôi nhà sàn nhỏ lọt thỏm giữa cây cỏ ở chân đập Ayun Hạ (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, Gia Lai), một ngư phủ được mệnh danh là “sát thủ” săn cá chình nức tiếng khắp vùng có tên Phạm Quốc Anh (47 tuổi). Lớn lên ở Thanh Hóa nhưng ông vào mảnh đất này lập nghiệp và nhiều năm mưu sinh bằng nghề bắt cá chình ở hồ Ayun Hạ.
“Vùng này nhiều cá, nhưng nổi tiếng nhất vẫn là cá chình. Người ta vẫn hay gọi nó là “thủy quái” vì nó to, khỏe, trông giống như rắn, đầu có tai, hàm răng sắc và rất hung dữ, không cẩn thận là nó cắn đứt ngón tay như chơi, nhưng thịt lại rất ngon, bán cũng được giá”, ông chia sẻ.
Trong ký ức và kinh nghiệm của ngư phủ này, mỗi con nước lớn, cá chình nhỏ ngược dòng nước bò qua những bãi đá lởm chởm để lên vùng nước thượng nguồn tìm chốn ở. Cũng con nước ấy, những con trưởng thành lại xuôi theo dòng nước lớn, vượt hành trình hàng trăm km ra đại dương để sinh nở duy trì giống nòi. Cá chình bố mẹ sau chuyến hành trình này gần như đã kiệt sức và kết thúc vòng đời của mình sau khi những quả trứng nở ra cá chình con. Cá chình con sẽ sống trong môi trường nước mặn đến khi trưởng thành, đủ sức để đi ngược hành trình của bố mẹ chúng đã đi, từ đại dương vượt thác ghềnh lên các sông, suối, khe rạch vùng cao…
“Cuộc đời cá chình là những chuyến hành trình không ngừng nghỉ, liên tục di chuyển đến khi gặp những nơi có địa hình trắc trở thì chúng sẽ ở lại hoặc đợi nước lớn rồi tiếp tục di chuyển. Chúng thường sống ở những nơi mặt trời không chiếu tới, những hang sâu và chỉ ra ngoài kiếm ăn khi mặt trời khuất sau những dãy núi. Bởi vậy, những người săn cá chình thường lần theo các khe rạch, suối lớn, địa hình trắc trở với những phiến đá chồng lên nhau tạo thành những hang, hốc hoặc vũng xoáy dưới chân các dòng thác để tìm chỗ giăng câu”, ông Anh kể.
“Chỗ ấy, chỉ cần đặt những lưỡi câu cố định từ thứ dây dù bện chặt bằng tay rồi móc mồi vào thả xuống đáy nước. Cái thứ cá này chỉ ăn mồi còn tươi, sống. Và khi móc mồi phải làm sao cho con cá bong vảy để máu tứa ra, thu hút cá chình tìm đến…”, ông Anh miêu tả.
“Ngày trước, mỗi mùa lũ lớn, cá chình ngược dòng lên nhiều, mỗi dây câu có khi được 3 - 4 con cá lớn, nhiều lần bắt được cá chình nặng tới cả chục ký, dài tới sải tay người lớn”, ông Anh say sưa kể. “Có bận, tôi móc mồi câu xong thì trời xẩm tối, thấm mệt nên tôi leo lên một phiến đá to ngồi hút thuốc cho đỡ lạnh. Đang tựa lưng vào đá mải mê suy nghĩ thì nghe tiếng quẫy mạnh dưới nước, rọi đèn xuống thấy sợi dây câu rung giật, cùng những đợt cuộn sóng kèm theo nhớt trắng nổi lên. Biết là con cá chình to mắc câu, nên chờ nó giãy giụa đến khi “đuối” mới bắt. Vài phút trôi qua nhưng nóng ruột lắm, trong đầu nghĩ vẩn vơ: “Lỡ xui nó sẩy thì mất toi con cá to”. Nghĩ vậy, tôi cởi áo, quần lao xuống dòng nước lạnh, bơi tới gần dùng một tay níu đầu dây, một tay quạt nước. Trời ơi! Một con cá chình vàng khè, vừa to, vừa mạnh. Mỗi khi tôi níu dây kéo, nó lại quay mình thành hình xoáy nước để cố bứt ra. Với kinh nghiệm lâu năm, tôi phải rà kéo ngang, vừa kéo, vừa tránh những bụi cây, vì khi bắt gặp những cành cây nó sẽ cuốn vào đó để thoát khỏi lưỡi câu…”, ông Anh kể.
“Quần nhau với con cá hơn một giờ đồng hồ, vừa kéo, vừa lựa thế để con cá không cắn vào người. Lôi được con cá khỏi mặt nước thì sức cũng gần kiệt vì ngâm trong làn nước lạnh. Con cá chình dài hơn 2m, nặng hàng chục ký, toàn thân màu vàng tía, đôi tai to bằng ngón tay cái người lớn, hàm răng sắc nhọn. Lúc đặt xuống sân, vợ con tôi đều hoảng hốt nói là “cá ma”. Vợ tôi bảo: “Ông bắt cá này về nhỡ có chuyện gì thì sao?”. Tôi xua tay bảo: “Con này bán sẽ mua cả mấy tạ gạo đấy…”, ông Anh cười xuề xòa.
Ngư phủ Quốc Anh bảo, ngày xưa còn lặn tốt được gần chục mét, nhưng nay đã có tuổi, sức khỏe yếu và cũng sắp phải gác câu vì cá hiếm lắm rồi.
Người dân chỉ cần bắt cá cho vào giỏ
“Cá ma” trên đại thủy nông
Con đập thủy lợi Ayun Hạ hoàn thành vào thập niên 90 của thế kỷ trước, biến một vùng thung lũng hoang sơ thành đại thủy nông của Tây Nguyên; Với những khu vực dân cư trù phú hình thành… Và ở đâu đó trên lòng hồ rộng lớn được bảo bọc bởi những cánh rừng, lâu lâu người dân lại bắt được những con cá lớn đến nỗi phải khiếp sợ và tin rằng đó là “cá ma”…
Anh Ksor Mơn, một người làm nghề đánh cá gần 30 năm nay ở xã Ayun, huyện Chư Sê, Gia Lai kể: “Cách đây hơn 20 năm, trong một lần buông lưới buổi tối, khi kéo lưới lên tôi nghe tiếng quẫy mạnh, phải buộc lưới ghì vào thuyền, trong đầu hoảng sợ nghĩ: “Hay có con trăn to mắc vào lưới rồi”. Trấn tĩnh một hồi, tôi đánh liều kéo lưới lên, để con dao sắc cạnh người thủ thế. Trời ơi, một con cá mè dài như con người, vảy phủ rêu xanh trồi lên mặt nước, nặng gần 40kg. Cả làng xúm đến xem. Tôi bảo mọi người cùng làm thịt nhưng ai cũng sợ, bảo là “cá ma”.
Một người khác bén duyên cùng “thủy quái” trên lòng hồ mênh mông này là ông Trần Anh Kiệt. Ông bảo rằng, gần 20 năm đánh bắt, nuôi cá ở đây, ông đã bắt được một số con cá mè, cá trắm nặng vài chục ký. Sở dĩ, có những con cá “khủng” mắc lưới như vậy, dân bản địa sợ cá to không dám ăn vì họ nói đó là “cá ma”. Và cũng chính từ đây, ông Kiệt sáng chế ra chiếc sa bắt cá.
Giữa mênh mông dòng nước hung dữ, ông Kiệt đã cho thợ khoan sâu vào đá, đổ bê tông đặt các trụ sắt lớn. Giăng ngang dòng sông dài khoảng 50m là hai tấm lưới sắt, được bắt theo hình tam giác. Ở giữa hai tấm lưới sắt đoạn giữa dòng sông, ông Kiệt đặt một chiếc hộp sắt. Độ cao của cái sa hơn 4m. Cá từ hồ Ayun Hạ theo dòng nước lớn bị cuốn xuống kênh mương thủy lợi gặp phải chiếc sa này giữ lại.
Công đoạn cuối cùng khá đơn giản, chỉ đứng chờ cá mắc vào chiếc lưới khổng lồ này để bắt lên. Từ cái sa bắt cá này, mỗi năm gia đình ông Kiệt thu trên dưới 100 tấn cá. Có ngày bắt được hơn 1 tấn với đủ loại cá như: Trắm, mè, lóc, trê… nhưng chủ yếu vẫn là cá trắm và cá mè. Hàng năm, gia đình ông Kiệt vẫn thả cá giống lên hồ để tạo sự bền vững trong khai thác.