“Săn” cá ngựa thế nào?
Vùng Cửa Bé - Nha Trang là nơi tập trung hàng nghìn phương tiện đánh bắt ven bờ của tỉnh Khánh Hòa. Thế nhưng, nghề “săn” cá ngựa đơn thuần thường ít có ngư dân làm vì đây loại cá được cho là khá hiếm, thỉnh thoảng mới bắt gặp. Theo ngư dân Nha Trang, kể từ tháng giêng cho đến trước khi gió mùa đông bắc xuống, nghề “bẫy” tôm hùm con thường hay bắt được cá ngựa.
Cá ngựa khô được bày bán trong một cửa hàng ở Nha Trang, Khánh Hòa
Mỗi ngày “bẫy” tôm hùm, ngư dân cũng thường bắt được ít thì 5-7 con cá ngựa, còn nếu may mắn thì trúng hàng chục con. Theo các ngư dân, khi kéo ngư cụ “bẫy” tôm hùm con lên thuyền thì cá ngựa hay “cuốn” vào dây. Các thương lái ở khu vực Cửa Bé, Hòn Rớ (TP Nha Trang) ngoài việc mua tôm hùm con thì họ cũng mua luôn cá ngựa rồi bán lại cho các thương lái khác, với giá cao hơn.
Theo ông Võ Khắc Én, Phó Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Khánh Hòa, cá ngựa thường sinh sống nhiều ở Vịnh Nha Trang, đầm Nha Phu, vùng biển Bãi Dài…
“Cá ngựa có đặc trưng là sinh sống gần bờ, ở những vùng biển có nhiều cỏ biển, rong rêu, đá hoặc san hô. Ngư dân thường lặn bắt hải sản tầng đáy như ốc, sò… thì khi thấy cá ngựa nên người ta bắt luôn, chứ không phải là nghề khai thác chính”, ông Võ Khắc Én cho biết.
Còn TS Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, cho biết, nghề giã cào ở Khánh Hòa cũng là một trong những nghề ven bờ hay đánh bắt được nhiều cá ngựa.
“Hàng độc” được ưa chuộng trên thị trường
Theo các tư thương chuyên thu mua cá ngựa ở Nha Trang, giá cá ngựa tại bến dao động 3,5-4 triệu đồng/kg (80-90 con), cá sống. Do rất được ưa chuộng trên thị trường nên thương lái các nơi săn lùng loại cá này rất nhiều, thậm chí có thời điểm không có “hàng” để bán.
Được biết, hiện nay ngoài nhu cầu tiêu thụ ở thị trường trong nước thì cá ngựa cũng được xuất khẩu sang các nước như: Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore, với số lượng không hề ít.
Chị T., một thương lái mua cá ngựa ở khu vực Hòn Rớ (Nha Trang) cho biết, cá ngựa thường được ngư dân bắt được khá nhiều vào những tháng đầu năm. “Cá ngựa nó nhẹ ký lắm, vào những tháng cao điểm, mỗi ngày tôi mua được vài chục con nhưng cũng có ngày một ngư dân trúng cá này, đem bán cho tôi 30-40 con. Cá chết thì mình cấp đông, còn cá sống thì mình cho cho vào chậu oxy rồi bán lại cho các thương lái khác”, chị T. cho biết.
Theo tìm hiểu của PV, ở phố biển Nha Trang, cá ngựa được bán khá nhiều ở bến tàu du lịch Cầu Đá. Ở khu vực này, có nhiều cửa hàng chuyên bán cá ngựa cho du khách nước ngoài.
Ghé thăm cửa hàng T. trên đường Trần Phú, đoạn gần cảng Nha Trang, chúng tôi thực sự “ngợp mắt” bởi số lượng cá ngựa được bày bán ở đây, kể cả cá còn sống. Cá ngựa khô được bó thành từng cặp, treo từng dây ở trước sảnh cửa hàng. Nữ nhân viên cửa hàng ra giá 60.000 đồng/cặp loại nhỏ, còn loại trung bình 120.000-150.000 đồng/cặp, còn loại lớn 200.000-300.000 đồng/cặp.
Ngoài ra, ở chợ Đầm Nha Trang cũng bày bán khá nhiều cá ngựa khô. Tại một cửa hàng, bà chủ ra giá là 250.000 đồng/cặp, loại trung bình. “Cá này ở Nha Trang, người ta đi biển bắt được, chứ không nhập ở đâu hết”, bà chủ cho hay.
Tuy nhiên, một số cửa hàng khác, một cặp cá ngựa nhỏ được gói trong hộp vuông, đi cùng là một số loại hải sản khác như sao biển, hải sâm, tắc kè, với giá 200.000 đồng/hộp.
Theo TS. Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, hiện nay các nhà khoa học ở Nha Trang đã nhân giống thành công và được nuôi khá rộng rãi tại một số nơi trong tỉnh. Do đó, lượng cá ngựa trên thị trường bao gồm cả cá nuôi và cá biển tự nhiên.
Phân biệt cá ngựa thật, giả thế nào?
Theo một số người “sành” dùng cá ngựa, đối với cá ngựa khô nếu gai không mẩy nhọn mà mòn, đuôi không còn nguyên vẹn, mắt bị mất thì kỳ thực cá đó đã bị ngâm qua rượu, mất hết tinh túy. Do đó, để khỏi phải mua cá ngựa “mất chất” thì cần lưu ý những đặc điểm trên.