Sáng nay, ngày 31/5/2013, Cục kiểm tra Văn bản quy phạm Pháp luật (Bộ Tư Pháp) đã họp với đại diện Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD), VASEP và Cục XNK (Bộ Công Thương) để trao đổi, thảo luận về nội dung tại điểm b, Khoản 1, Điều 31 của TT55 và Điểm c, Khoản 2, Điều 20 của dự thảo thay thế TT55.
Trước đó, ngày 16/5/2013, Hiệp hội VASEP đã gửi Công văn số 94/2013/CV-VASEP đến Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp) để xin ý kiến về cơ sở pháp lý cho nội dung quy định mang tính “trừng phạt” nặng nề tại điểm b, Khoản 1, Điều 31 của TT55 của Bộ NN và PTNT là tạm ngừng XK đối với DN có quá 03 lô hàng cùng nhóm sản phẩm tương tự trong 06 tháng bị cảnh báo về CL, ATTP. Nội dung “3 lô, 6 tháng” này đã nhận được nhiều rất nhiều phản ứng mạnh mẽ từ phía DN XK trong hơn 1 năm khi TT55 bắt đầu có hiệu lực.
Mặc dù, sau khi TT55 có hiệu lực, trước những bất cập trên, VASEP đã gửi Công văn số 192/2011/CV-VASEP ngày 27/12/2011 tới Bộ trưởng Bộ NN và PTNT kiến nghị xem xét lại một số quy định của TT55, trong đó có quy định bất hợp lý, trái với Luật ATTP kể trên. Tuy nhiên, sau 17 tháng, Cục NAFIQAD mới soạn thảo dự thảo sửa đổi TT55 và lấy ý kiến DN và các bên liên quan. Tại dự thảo mới, cơ quan soạn thảo vẫn giữ nguyên quy định này.
Trong khi đó, theo Điều 2, Điều 6, Điều 53, Điều 55 của Luật ATTP về việc xử lý vi phạm pháp luật về ATTP không quy định biện pháp ngưng XK.
Điều 6 Luật ATTP quy định: “Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về ATTP thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật”.
Còn theo Điều 53 Luật ATTP: “Tổ chức, cá nhân phát hiện sự cố về ATTP xảy ra trong nước hoặc nước ngoài nhưng có ảnh hưởng tới Việt Nam phải khai báo với cơ sở y tế, Ủy ban Nhân dân địa phương nơi gần nhất hoặc Bộ Y tế, Bộ NN và PTNT, Bộ Công Thương để có biện pháp khắc phục kịp thời”.
Việc đình chỉ sản xuất kinh doanh, thu hồi và xử lý khi thực phẩm gây ngộ độc, truyền bệnh đang lưu thông trên thị trường: Trường hợp nếu thực phẩm không đảm bảo an toàn sẽ bị thu hồi tự nguyện hoặc thu hồi bắt buộc do cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.
Tuy nhiên trên thực tế, khi các nước ngày càng tạo ra nhiều rào cản kỹ thuật, thậm chí phi khoa học, thì việc lô hàng thủy sản XK của các nước XK bị kiểm tra và cảnh báo ở nước NK, nhưng không vi phạm quy định ATTP theo Luật của nước XK, trong trường hợp cụ thể là Việt Nam, mà lại bị xử phạt ngừng XK là quá nặng nề và mang tính ”trừng phạt” không có cơ sở.
Theo ông Nguyễn Hữu Dũng - Phó Chủ tịch VASEP, nếu nước NK ra quyết định ngừng NK đối với DN vi phạm DN đó sẽ phải chịu trách nhiệm về hành vi này là chuyện đương nhiên và chính họ cũng phải bị trừng phạt là thiệt hại nặng nề. Nhưng chỉ vì cảnh báo từ cơ quan thẩm quyền với nhiều lý do như: dán sai nhãn chứ không phải vì vấn đề ATTP là rất bất hợp lý. DN bị tạm ngưng XK nghĩa là ngưng hoạt động, vừa ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và kéo theo vấn đề việc làm của hàng nghìn lao động.
Tại cuộc họp, đại diện NAFIQAD giải thích, căn cứ vào Điều 2 và Điều 53 của Luật ATTP, cơ quan soạn thảo đã đưa ra quy định này tại TT55, theo Điều 53: ”Tổ chức, cá nhân phát hiện sự cố về an toàn thực phẩm xảy ra trong nước hoặc nước ngoài nhưng có ảnh hưởng tới Việt Nam phải khai báo với cơ sở y tế, Ủy ban nhân dân địa phương nơi gần nhất hoặc Bộ Y tế, Bộ NN và PTNT, Bộ Công thương để có biện pháp khắc phục kịp thời”. Mà biện pháp khắc phục tại điểm c, Khoản 2, Điều 53 Luật ATTP quy định: “Đình chỉ sản xuất, kinh doanh; thu hồi và xử lý thực phẩm gây ngộ độc, truyền bệnh đang lưu thông trên thị trường”.
Sau khi nghe ý kiến của NAFIQAD, đại diện Cục XNK (Bộ Công Thương) cho rằng, việc quản lý chất lượng, ATTP cho sản phẩm XK là điều cần thiết để bảo vệ hình ảnh và uy tín của thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên, quy định này của Bộ NN và PTNT quả thực ”thắt chặt” hơn mức cần thiết và gây thêm khó khăn cho DN XK. Do đó, cơ quan soạn thảo nên cân nhắc, sửa đổi quy định này sao cho vừa kiểm soát tốt chất lượng hàng XK, vừa không phiền hà thêm thủ tục hành chính, cản trở hoạt động của DN XK trong thời điểm khó khăn này.
Trước những lập lập của VASEP và NAFIQAD cùng bảo vệ quan điểm của mình, ông Lê Hồng Sơn - Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư Pháp) đồng tình, cơ quan Nhà nước không thể buông lỏng quản lý với chất lượng, ATTP sản phẩm XK. Do đó, các biện pháp kiểm soát là cần thiết. Tuy nhiên, kiểm tra ở mức nào? Lô hàng XK có “trên 3 lần nháy đèn vàng” đã đến mức tạm ngừng XK chưa? Tại quy định này, cơ quan soạn thảo đã trao quá nhiều “quyền năng” cho cơ quan quản lý, tạo thêm thủ tục hành chính khi buộc DN phải thực hiện và chờ đợi “văn bản đi” - “văn bản về” mà chưa thấy có “động tác xoắn tay” vào giúp DN khắc phục hậu quả, cải thiện chất lượng, ATTP.
Tại thời điểm khó khăn như hiện nay, quy định này cần được cân nhắc, xem xét và nên sửa đổi để “hợp pháp”, “hợp lý” hơn và không đi quá xa Luật ATTP. Trong tuần tới, Cục Kiểm tra VBQPPL sẽ có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Tư pháp báo cáo về vấn đề này trước khi có công văn trả lời các bên có liên quan.