Theo Cục Chế biến và Phát triển thủy sản Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) 2 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản đạt 932 triệu USD, giảm tới 15,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Trung Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong tháng đầu tiên của năm 2020, chiếm 54,9% tổng giá trị xuất khẩu.
Xuất khẩu thủy sản sang các thị trường đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, trong đó thị trường có giá trị xuất khẩu sụt giảm mạnh nhất là Trung Quốc.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Nhật Bản chiếm 18,02% tổng kim ngạch xuất khẩu, giảm 28,16% so với cùng kỳ năm 2019; Mỹ chiếm 17,62%, giảm 26,34%; Hàn Quốc chiếm 10,27%, giảm 31,53%; Trung Quốc chiếm 8,94%, giảm tới 43,48%.
Đánh giá về tình hình xuất khẩu thủy sản, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định: Dịch Covid-19 đang lan rộng ra nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có nhiều thị trường xuất khẩu thủy sản lớn của Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ý… điều này sẽ có những tác động nhất định đến triển vọng xuất khẩu thủy sản trong thời gian tới. Đáng chú ý, dự báo xu hướng tiêu dùng và nhập thủy sản tại những thị trường chịu tác động của dịch Covid-19 sẽ có những thay đổi.
Cụ thể, nhập khẩu thủy sản đông lạnh, tiện dụng, dễ chế biến tại nhà sẽ cao hơn thủy sản tươi sống. Những sản phẩm thủy sản đóng hộp cũng sẽ được ưa chuộng.
Đại diện doanh nghiệp, bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn nhận định: “Đơn hàng cá tra chế biến có thể tăng đột biến”. Theo bà Tâm, cá tra fillet đông lạnh là mặt hàng thực phẩm thiết yếu ở nhiều thị trường nên có nhu cầu lớn cả trong và sau dịch bệnh Covid-19.
Bà Tâm cho biết, đơn hàng từ Trung Quốc giảm nhưng khả năng sẽ tăng đáng kể trong quý II và III/2020. Nhiều khách hàng của Công ty Vĩnh Hoàn ở châu Âu cũng nhận định, đơn hàng cá tra đông lạnh có thể tăng đột biến do các đơn hàng cá thịt trắng được gia công ở Trung Quốc như cá cod, cá pollock, haddock đang bị ách tắc.
“Hiện tại không chỉ duy trì sản xuất bình thường mà chúng tôi còn chuẩn bị nguồn nguyên liệu cho quý II và III để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của khách hàng, tránh việc giá cá tăng mạnh khi có đột biến về đơn hàng, gây bất ổn cho ngành hàng. Đặc biệt trong 2 quý cuối năm là giai đoạn dễ thiếu nguyên liệu chế biến cá tra”, bà Tâm nói.