Thời gian gần đây, hàng ngàn tàu cá ở miền Trung đồng loạt nằm bờ do vướng quy định mới của Luật Thủy sản 2017 (hiệu lực từ ngày 1-1-2019) chuyển từ quản lý công suất sang quản lý chiều dài.
Bán không được
Theo đó, tàu cá phải có chiều dài 15 m mới được đánh bắt xa bờ, dưới 15 m chỉ được đánh bắt trong phạm vi 62 hải lý.
Theo ông Cao Văn Minh, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà, Đà Nẵng), nghiệp đoàn có 72 tàu nhưng 32 chiếc đang nằm bờ. 40 chiếc còn lại đến năm 2020, khả năng tiếp tục nằm bờ vì chính sách thay đổi. Ông Minh cho biết tàu dưới 15 m cũng không được cho thuê và mua bán.
"Tàu nằm bờ nhưng cũng không cho thuê, mua bán được thì lấy tiền đâu để chuyển đổi ngành nghề. Nhiều nhà mất nguồn thu nhập từ lao động chính" - ông Minh nói và cho biết nghiệp đoàn đã gửi đề nghị lên UBND và Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng xem xét nhưng vẫn chưa được trả lời thỏa đáng.
Tại tỉnh Bình Định, hàng trăm chủ tàu cá rất lo sẽ bị xử lý về hành vi làm trái pháp luật hoặc cố ý làm trái quy định. Theo ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Bình Định, tỉnh này có 723 tàu cá công suất từ 90 CV trở lên nhưng dài dưới 15 m, trước đây được cấp giấy phép hoạt động vùng khơi.
"Các tàu này đang hoạt động vùng khơi. Nếu chuyển vào hoạt động vùng lộng sẽ không phù hợp. Muốn chuyển đổi nghề hoặc chuyển đổi vùng khai thác cũng khó khăn do không có hạn ngạch giấy phép khai thác nên gây bức xúc cho ngư dân và ảnh hưởng sinh kế của hàng ngàn gia đình" - ông Hổ nói.
Ông Lê Văn Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi, cho biết trong khi chờ chỉ đạo từ các bộ, ngành liên quan, ngành thủy sản tỉnh này vẫn hướng dẫn, cho phép các chủ tàu không đủ chuẩn ra khơi. "Dưới góc độ quản lý, còn có một số quy định chưa phù hợp, chưa đúng thời điểm như tàu cá trên 15 m phải có thợ máy hay quy định giao hạn ngạch cho từng ngành nghề... Việc này, chi cục đã báo cáo Bộ NN-PTNT" - ông Sơn thông tin.
Theo ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, tỉnh này đã đề nghị Bộ NN-PTNT cho ý kiến để giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Đối với 723 tàu cá của tỉnh này có công suất lớn hơn 90 CV nhưng dài dưới 15 m đang hoạt động vùng khơi, tỉnh đề nghị cho phép được tiếp tục hoạt động ở vùng khơi đến khi giấy phép cũ hết hạn và được hưởng chính sách hỗ trợ theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg; đồng thời cho phép hoán cải vỏ để đủ chuẩn khai thác vùng khơi, cấp bổ sung hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản ở vùng khơi cho tỉnh để tỉnh cấp cho các tàu cá này.
"Trang thiết bị trên tàu đủ nhưng chiều dài không đủ điều kiện cấp giấy phép khai thác thủy sản ở vùng khơi thì nên cho thời gian để chủ tàu hoán cải cho phù hợp. Nếu tàu nào không đánh bắt xa bờ nữa thì không cần hoán cải vỏ mà cần thời gian để hoán cải thiết bị" - ông Châu giải thích.
Tăng áp lực ven bờ
Quảng Bình cũng có hàng trăm tàu thuyền không đủ chuẩn và tỉnh vừa đề nghị Bộ NN-PTNT bổ sung 558 hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi.
Nhiều chủ tàu cá cho biết quá trình giám sát kỹ thuật tàu cá đóng mới, hoán cải cho phép có sự sai lệch kích thước chiều dài lớn nhất là đến dưới 10%. Đây là lý do nhiều tàu dài dưới 15 m (theo đăng kiểm) nhưng vẫn dài hơn 15 m qua đo đạc. Mặt khác, Luật Thủy sản năm 2003 quy định vùng hoạt động căn cứ vào công suất tàu nên chủ tàu chỉ quan tâm đến công suất mà không chú ý kích thước, dẫn đến sai lệch.
UBND tỉnh Quảng Bình nêu rõ quan điểm nếu các tàu này không được cấp hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của chủ tàu. Chưa kể, tàu quay về vùng lộng thì sẽ gia tăng áp lực khai thác vùng ven bờ và không thực hiện được chủ trương khuyến khích, vận động ngư dân vươn khơi góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Hiện Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Bình vẫn chưa nhận được hồi âm của Bộ NN-PTNT về số lượng hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi.
Xử lý cho uyển chuyển
Tại buổi làm việc mới đây với tỉnh Bình Định, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng việc cấp hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản là đúng quy định pháp luật. Nếu có vấn đề thực tiễn đặt ra thì phải có hướng xử lý để bảo đảm quyền lợi của ngư dân, bảo đảm pháp luật và an ninh quốc phòng trên biển. Ông Tiến đã yêu cầu Tổng cục Thủy sản tổng hợp số lượng tàu cá bị vướng thủ tục cấp giấy phép khai thác thủy sản như đã xảy ra ở Bình Định để trình Bộ NN-PTNT rà soát xem có bao nhiêu chiếc, đề xuất xử lý thế nào cho uyển chuyển.