Nếu bà con thực hiện quá trình thả tôm không đúng cách có thể dẫn đến tình trạng tôm phát triển chậm, dễ mắc bệnh, hao hụt. Dưới đây là một số điều cần chú ý trong quá trình chuẩn bị và thực hiện quá trình thả tôm vào ao.
Vị trí ao và chuẩn bị ao cho việc thả tôm giống
Vị trí ao
Ưu tiên lựa chọn vị trí để xe chở giống có thể dễ dàng di chuyển đến, và đồng thời vị trí này cần phải rộng lớn và bằng phẳng, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình vận chuyển và thả tôm diễn ra một cách nhanh chóng.
Chọn vị trí thả ở phía đầu hướng gió giúp tôm dễ dàng phân tán khi được thả vào ao. Khoảng cách từ vị trí thả đến bờ ao nên được duy trì ở mức khoảng 2 - 3 mét, và nên thả tôm tại nhiều điểm khác nhau trong cùng một ao nuôi. Điều này tạo ra sự phân tán đồng đều trong ao, giúp quản lý và chăm sóc tôm trở nên thuận tiện hơn.
Chuẩn bị ao thả tôm
Thế nào là một ao đã "sẵn sàng"? Đối với một ao sẵn sàng, có thể đó là ao ương, ao sang tôm hoặc ao nuôi. Một ao sẵn sàng là ao có đủ các điều kiện sinh - hóa - lý phù hợp để hỗ trợ sự phát triển của tôm, và có thể tiến hành quá trình thả tôm ngay lập tức.
Để chuẩn bị đảm bảo một ao đã sẵn sàng, thì sau các bước chuẩn bị ao, diệt khuẩn và cấy vi sinh. Thì chúng ta cần kiểm tra các thông số sinh học, hóa học và lý học trong nước, bao gồm: Nhiệt độ, độ mặn, độ trong, độ kiềm, pH, oxi hòa tan, khí độc (H2S, NO2), Amoniac (NH3), khoáng chất (Ca:Mg:K), tảo có lợi (tảo lục, tảo Silic), và tảo có hại (tảo roi, tảo mắt, tảo lam, tảo giáp, tảo sợi). Nhiều đại lý hiện nay đều cung cấp đầy đủ dụng cụ và hóa chất kiểm tra để hỗ trợ các bà con hộ dân nuôi tôm.
Sau đó, chúng ta cần xử lý các vấn đề nước có thể gây bất lợi cho tôm trước khi thả tôm sang ao. Việc bổ sung khoáng chất, vitamin, và acid amin cần thiết giúp tôm phát triển mạnh mẽ và tránh được tôm bị sốc khi môi trường thay đổi đột ngột. Cuối cùng, quan trọng là lựa chọn thời điểm hợp lý để thả tôm sang ao.
Vệ sinh ao trải bạt để chuẩn bị vụ thả tôm giống mới. Ảnh: thaibinhtv.vn
Thời điểm thả tôm hợp lý để đạt kết quả tốt nhất
Thời điểm tốt nhất và hợp lý nhất để thả giống tôm giống là vào ban đêm, khi thời tiết mát mẻ và trước khi tôm bắt đầu quá trình lột xác, thường là từ 21h đến 2h sáng. Bà con không nên thả lúc nắng gắt hoặc trời mưa, điều này dẫn đến việc tôm bị sốc tỷ lệ sống không cao.
Vậy tại sao lựa chọn thả giống vào thời điểm buổi tối được đánh giá cao nhất? Tôm giống được vận chuyển từ trại giống thường được bảo quản trong thùng xốp, kèm theo một túi đá để duy trì nhiệt độ thấp trong thùng. Túi đá này giúp giảm hoặc tạm thời ngưng hoạt động của tôm.
Vào buổi tối, cả nhiệt độ môi trường và nhiệt độ nước thường thấp hơn so với ban ngày, điều này giúp tôm tránh được sốc môi trường khi thả vào ao. Sau vài giờ từ lúc thả tôm, chúng thường bắt đầu quá trình lột vỏ, đặc biệt vì tôm có tập tính lột vỏ vào ban đêm. Sau khi lột vỏ thì khả năng ăn và bắt mồi của tôm rất yếu, do đó không cần phải cung cấp thức ăn cho chúng cho đến sáng hôm sau.
Những lưu ý trước và sau khi thả tôm giống
Trước khi thả tôm giống vào ao, bà con cần lưu ý một số điều để đảm bảo tôm khỏe mạnh, thích nghi nhanh và hạn chế các bệnh gây chậm lớn:
Đầu tiên, ao sẵn sàng cần được cấy vi sinh ít nhất 48 giờ trước khi thả tôm. Các loại vi sinh phổ biến được sử dụng bao gồm: EM AQUA, EM1, EM gốc, và các dạng vi sinh xử lý khí độc Rhodo, Nutri pro, Aqua chip plus,…
Trước khi thả giống, cần bổ sung khoáng chất cần thiết để tôm lột vỏ, cũng như các loại vitamin và axit amin chống sốc môi trường. Các loại khoáng thường được sử dụng bao gồm: Sodium bicarbonate, Stomi, Nova Calphos, Calcium P, Nova C tôm, và Yucca.
Tiếp đến là kiểm tra nồng độ kiềm trong ao, vì nồng độ kiềm quá thấp có thể làm cho tôm khó lột vỏ và chậm lớn hơn. Nồng độ kiềm lý tưởng nằm trong khoảng 120-160 mg/L.
Cân bằng nhiệt độ trong túi tôm giống và nhiệt độ môi trường. Ảnh: tomgiongnamdaiduong.com
Đối với tôm mới được đưa vào ao, nên giữ nguyên túi tôm ngâm trong ao ít nhất 15 phút để tránh tôm bị sốc nhiệt độ môi trường.
Thức ăn chính cho tôm trong những ngày đầu thường là vi sinh và động vật phiêu sinh có trong nước. Ngoài ra, cần cho tôm ăn thức ăn bột với liều lượng thích hợp, khoảng 1-2g/1000 post, và tăng dần theo sự phát triển của tôm.
Để đảm bảo sức khỏe và sự phát triển đồng đều của tôm, không chỉ quan trọng việc lựa chọn giống tôm từ các nguồn uy tín mà còn cần tuân thủ đúng các bước trong quá trình vận chuyển, thả tôm vào thời điểm nào là hợp lý là cực kì quan trọng. Tép Bạc mong rằng, thông qua việc chia sẻ kiến thức nuôi tôm từ những kinh nghiệm thực tế và sự không ngừng học hỏi, quý bà con sẽ có những kỳ nuôi mùa thuận lợi và thành công.