Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương xác minh, kiểm tra các nội dung phản ánh về tình trạng “Doanh nghiệp thủy sản bức xúc bị “đẻ” thêm chi phí cấp giấy xác nhận”. Trường hợp các nội dung phản ánh là đúng, phải xử lý dứt điểm, không để tình trạng gây khó khăn, bức xúc cho doanh nghiệp.
Trước đó, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) có Công văn 82/2020/CV-VASEP gửi Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến việc một số Ban quản lý Cảng cá yêu cầu khống chế số lượng trên giấy xác nhận nguyên liệu bất hợp lý, tăng chi phí cho doanh nghiệp.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp Hội viên VASEP trong 2 tuần qua, một vấn đề của thực thi liên quan đến quy định hành chính trong công tác cấp giấy xác nhận nguyên liệu (S/C) và thu phí xác nhận giữa các cảng cá và doanh nghiệp đang nổi cộm, gây bức xúc cho cộng đồng doanh nghiệp hải sản.
Thông tư 118/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí thẩm định xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản, lệ phí cấp giấy phép khai thác, hoạt động thủy sản được ban hành ngày 28/11/2018 đã quy định rõ mức thu “Phí thẩm định xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thuỷ sản” như sau: “150.000 đồng + (số tấn thuỷ sản x 15.000 đ/tấn). Tối đa 700.000 đồng/lần”.
Tuy nhiên, thời gian gần đây một số Ban quản lý Cảng cá ở một số tỉnh như: Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định, Vũng Tàu…đã yêu cầu các doanh nghiệp tách lượng nguyên liệu thu mua xin cấp giấy S/C để không vượt 36 tấn nguyên liệu/1 giấy xác nhận (tương đương phí cấp S/C tính ra không vượt quá 700.000 đ/lần theo quy định tại Điều 4 của Thông tư 118/2018/TT-BTC đề cập trên).
Nhiều trường hợp, lượng hải sản doanh nghiệp thu mua trong 1 lần tại một nơi được khoảng 40 tấn, nhưng không được đăng ký như quy định tại TT 118/2018, mà phải tách làm 2 giấy S/C, một giấy 36 tấn và giấy kia là số còn lại khoảng 4 tấn. Với yêu cầu như trên từ một số các Cảng cá dẫn đến việc doanh nghiệp buộc phải làm thêm nhiều bộ hồ sơ xin xác nhận S/C, đồng nghĩa phải chịu thêm chi phí xin cấp S/C, làm gia tăng thêm chi phí cho doanh nghiệp.
Nhưng điều quan trọng là việc thực thi quy định pháp luật theo cách diễn giải riêng và có lợi cho một bên sẽ gây tâm lý không tốt đối với cộng đồng rộng lớn hơn là doanh nghiệp và người dân, làm mất đi hiệu lực của văn bản pháp luật.
VASEP cho rằng, việc này cũng đi ngược lại các nỗ lực của Chính phủ và các Bộ, ngành trong việc rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật để giảm chi phí cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt.