Tại vùng chuyển đổi nuôi trồng thủy sản xã Đông Hải, bà con nông dân đang khẩn trương thả giống đúng khung thời vụ nuôi trồng của HTX đề ra.
Theo anh Đỗ Văn Thiểm, thôn Thành Long, với diện tích 8.000m2 chia làm 6 ao, anh thả gần 5 triệu con tôm thẻ chân trắng giống. Mỗi khi vào vụ nuôi trồng thủy sản anh Thiểm đều đầu tư kinh phí cải tạo ao đầm, trước khi thả tôm giống anh Thiểm đã vệ sinh ao rất kỹ bằng cách sử dụng vôi bột rắc đáy ao. Hàng ngày theo dõi diễn biến môi trường nước bảo đảm yếu tố thích hợp cho con giống phát triển.
Hiện nay, chính quyền các địa phương trong huyện cũng tích cực tập trung tuyên truyền bà con nông dân thực hiện tốt việc thả con giống theo lịch thời vụ đề ra. Để bảo đảm xuống giống nuôi trồng thủy sản vụ xuân hè, ngay từ đầu vụ, UBND xã Nam Phú đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các hộ nuôi cải tạo, vệ sinh ao nuôi, dùng vôi bột để khử trùng, diệt khuẩn sau đó phơi đáy ao, dẫn nước thau rửa hệ thống ao để hạn chế dịch bệnh. Khuyến cáo hộ dân chọn cơ sở cung cấp giống có uy tín mua giống. Mở các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật nuôi trồng thủy sản cho các hộ nông dân. Cán bộ chuyên môn thường xuyên phối hợp với các hộ nuôi thủy sản giám sát chặt chẽ diễn biến môi trường vùng nuôi thủy sản sau khi thả con giống. Tuyên truyền khuyến khích người dân tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm.
Ông Phạm Văn Vang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiền Hải cho biết: Những năm gần đây, do biến đổi khí hậu, thời tiết luôn diễn biến phức tạp, làm cho sức đề kháng của con giống thủy sản sau khi thả dễ bị sốc nhiệt, nhiễm vi khuẩn, vi rút gây chết, đặc biệt dịch đốm trắng trên tôm. Do đó, để bảo đảm vụ nuôi trồng giành thắng lợi, Tiền Hải đã tăng cường cán bộ xuống cơ sở khuyến cáo các hộ nuôi thủy sản thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường trong ao, vùng nuôi, tình trạng sức khỏe của các đối tượng nuôi. Giám sát chặt chẽ nguồn nước cấp vào ao nuôi cần phải được xử lý trước khi thả con giống. Ngoài ra, các hộ cần tính toán cụ thể mật độ thả con giống vừa phải, bảo đảm hợp lý.
Nhằm hạn chế các tác nhân dịch bệnh xảy ra gây hại trong nuôi trồng thủy sản, ngay từ đầu vụ nuôi, Tiền Hải đã chỉ đạo các HTX tổ chức nạo vét mương máng đầu tư sửa chữa hệ thống cống đã xuống cấp, bảo đảm hệ thống thủy lợi được vận hành phù hợp với từng giai đoạn sản xuất phục vụ tốt cho nông dân nuôi trồng thủy sản.
Tiền Hải đã cấp hơn 6.200kg hóa chất chlorine để các địa phương xử lý môi trường ao nuôi tại vùng chuyển đổi. Nhìn chung năm nay, bà con chú trọng hơn tới công tác quản lý vùng nuôi an toàn, đầu tư trang thiết bị nuôi thủy sản theo công nghệ mới. Huyện khuyến cáo hộ nuôi cần chú trọng kiểm soát chặt chẽ nguồn con giống bảo đảm chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng và tuân thủ mật độ thả nuôi theo hướng dẫn. Bà con nông dân cần thực hiện tốt lịch thời vụ thả giống, quy trình kỹ thuật nuôi, phòng tránh một số bệnh gây hại.
Tiền Hải cũng phối hợp với ngành chuyên môn cấp trên kiểm tra các cơ sở kinh doanh thức ăn, thuốc, hóa chất, yêu cầu bảo đảm điều kiện kinh doanh theo quy định pháp luật, không bán các loại hóa chất, kháng sinh cấm trong nuôi trồng thủy sản. Tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cơ sở và thông qua các hội nghị, hội thảo về tác hại và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh thủy sản. Nâng cao nhận thức đối với các hộ nuôi thủy sản về tác hại của dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản, cam kết thực hiện “3 không” là không giấu dịch, không xả thải nước ao, đầm có mầm bệnh ra môi trường, không vứt bừa bãi xác thủy sản bệnh, chết ra môi trường xung quanh. Hướng dẫn người nuôi thực hiện tốt các quy định trong nuôi trồng thủy sản, phòng, chống dịch bệnh thủy sản; giám sát chặt chẽ quá trình xử lý hóa chất khi phát sinh dịch bệnh.