Tại buổi tọa đàm, nông dân các huyện thảo luận nội dung xoay quanh các vấn đề về bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp trên tôm nuôi, quy trình xử lý môi trường nước, cải tạo ao nuôi đã bị ô nhiễm, xử lý ao nuôi cũ để đầu tư vụ nuôi mới… Theo diễn giải của các chuyên gia đến từ Trường Đại học Cần Thơ, vi khuẩn gây nên bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp trên tôm nuôi sống trong môi trường có độ mặn và nhiệt độ cao, thời điểm giao mùa... Chính vì vậy, trong quá trình nuôi khi phát hiện độ mặn và nhiệt độ lên 30oC trở lên, người nuôi cần kiểm soát tốt vi khuẩn Vibrio trong quá trình nuôi bằng cách chuẩn hóa các tiêu chuẩn môi trường nuôi trong ngưỡng cho phép; thả nuôi tôm giống với mật độ thưa; khuyến khích ương dưỡng tôm nuôi trước khi thả vào ao nuôi. Song song đó người nuôi cần tuân thủ mùa vụ thả nuôi hợp lý để giảm thiểu tác hại từ môi trường bên ngoài vào ao nuôi. Trong quá trình nuôi khi phát hiện sớm bệnh phân trắng trên tôm nuôi, nông dân nên trộn bột tỏi hoặc tỏi tươi với thức ăn của tôm nhằm khống chế bệnh phân trắng phát tán nhanh. Bổ sung men vi sinh tăng cường sức đề kháng cho tôm nuôi, giúp tôm ít bệnh, mau lớn và cải thiện môi trường. Ngoài ra, người nuôi phải sử dụng men vi sinh để xử lý đáy ao. Đối với ao bị nhiễm bệnh, nông dân không nên dùng thuốc bảo vệ thực vật để diệt khuẩn nên xử lý khô bằng cách bón vôi, đào xới đáy ao, sau đó phơi khô dưới ánh nắng mặt trời để diệt mầm bệnh,…