Cơ quan quản lý các vấn đề đại dương Trung Quốc cho biết, tính từ lúc bắt đầu theo dõi tình hình tảo xanh lấn biển từ năm 2007, đây là lần đầu tiên, diện tích tảo ở mức kỷ lục (gần 28. 900 km2). “Thủy triều bèo” đang là tiêu đề nóng bỏng trên các nhật báo Trung Quốc. Theo các cơ quan chức năng, tảo xanh không hề nguy hiểm đối với những người bơi lội tại đây. Tuy nhiên, nó gây ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế, vì rất nhiều chuyến du lịch hay kỳ nghỉ ở đây bị hủy hoặc rút ngắn lại.
Hơn nữa, tảo xanh cũng gây ảnh hưởng xấu tới môi trường. Một giáo sư sinh học người Canada hiện đang cộng tác với nhóm nghiên cứu địa phương giải thích nói với phóng viên báo Le Monde: “Năm 2008, khoảng gần 2 triệu tấn tảo tràn ra biển. Quá trình phân hủy của nó ngốn rất nhiều khí oxy và làm nghẹt lớp trầm tích, nơi sinh sống của các loại côn trùng”.
Để ngăn chặn hậu quả do tảo gây ra, Trung Quốc cần xác định được nguồn gốc của nó. Song, cho tới nay, ý kiến về vấn đề này rất trái ngược nhau. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, hiện tượng nói trên liên quan tới việc nuôi trồng tảo porphyra (được biết dưới tên tảo nori), dùng trong việc chế biến maki của Nhật Bản. Để tăng năng suất, các nhà nuôi trồng sử dụng các chất dinh dưỡng và các chất này làm nảy sinh tảo ulva prolifera, chính là loại tảo xanh nêu trên.
Một số ý kiến khác cho hiện tượng này có liên quan tới việc nuôi tôm nước ngọt đang là món ăn khoái khẩu của phần lớn người tiêu dùng Trung Quốc. Các nhà sản xuất sử dụng một lượng lớn cám bột-thịt lên men, có thể lên tới 50.000 tấn, để cho tôm ăn trong giai đoạn trưởng thành, từ tháng 3 tới tháng 5 hàng năm. Nhờ các thành phần trên, tảo xanh phát triển mạnh và đổ ra biển. Ngoài ra, cũng phải kể tới lượng phân bón do nông dân địa phương sử dụng.
Điều quan trọng nhất phải làm hiện nay là kiểm soát lượng chất thải do nuôi trồng thủy sản và nông nghiệp. Nhưng, quá trình tiến hành có vẻ phức tạp về mặt chính trị, vì nguồn gốc của hiện tượng xảy ra ở tỉnh Giang Tô nhưng hậu quả đã được ghi nhận ở tỉnh Sơn Đông lân cận.