Nguồn cung tôm vào thị trường Trung Quốc thông qua cảng phía bắc Hải Phòng của Việt Nam đang bị kiểm soát nghiêm ngặt với hàng loạt vụ bắt giữ, bắt đầu diễn ra từ tháng 10 vừa qua, theo Undercurrent News đưa tin tại Triển lãm Trung Quốc 2018 tổ chức tại Thanh Đảo. Những người bị bắt giữ bị cáo buộc liên quan đến dán nhãn tôm xuất xứ nước ngoài. Các nhà chức trách Trung Quốc đã yêu cầu tất cả tôm đi qua thương mại biên mậu từ Việt Nam phải dán nhãn xuất xứ từ Việt Nam. “Hoạt động thương mại biên mậu tôm giữa Việt Nam – Trung Quốc đang chậm lại đáng kể. Trước đó, đây là một tuyến thương mại tôm lớn”, theo một nhà xuất khẩu Nam Mỹ cho hay.
Nhiều nhà sản xuất từ Nam Mỹ và các nước châu Á khác vận chuyển tôm cho các thương nhân tại cảng Hải Phòng của Việt Nam và bán sang thị trường Trung Quốc. Ecuador là một ví dụ, nay đã có thể bán trực tiếp sang thị trường Trung Quốc và trả thuế. Trước đó, các thương nhân tôm Ecuador thường có lợi nhuận cao hơn khi bán qua cảng Hải Phòng khi các thương nhân Việt Nam gánh lấy rủi ro bán lại sang thị trường Trung Quốc. Các nước khác như Venezuela không có thỏa thuận thương mại với Trung Quốc nên phải hoàn toàn phụ thuộc vào Việt Nam để tiếp cận thịt trường Trung Quốc. Hiện nay, thị trường tôm thế giới đang có nguồn cung dồi dào do sản lượng tôm Ecuador và Ấn Độ tăng.
Tất cả các khu vực sản xuất tôm lớn trên thế giới hiện đều đang tăng nguồn cung và sản lượng tôm thế giới dự báo đạt 5 triệu tấn đến năm 2020, tăng 18% so với hiện nay, theo khảo sát của Global Aquaculture Alliance công bố trong hội thảo triển vọng toàn cầu GOAL tổ chức tại Guayaquil, Ecuador tháng 9 vừa qua.
Có ít nhất 3 công ty từ Ecuador đang chào bán tôm cỡ 40-50 con/kg ở mức 6,1 USD/kg. Một thương nhân khác cho biết giá giao dịch dao động trong khoảng 6,1 – 6,2 USD/kg, so với mức giá 7,35 USD/kg cùng kỳ năm ngoái. Các công ty từ Ecuador đang sinh lời trong thời điểm là các công ty cung ứng sản phẩm GTGT và có mối quan hệ với các nhà bán buôn- bán lẻ.
Một thương nhân Ecuador khác cho rằng biến động tuyến thương mại qua Việt Nam có thể mở màn cho một canh bạc về đàm phán giá cho các lô hàng xuất khẩu sang Trung Quốc trước tết nguyên đán vào tháng 2/2019. Một số nhà xuất khẩu từ lâu đã đặt cược rằng các nhà chức trách Trung Quốc tự bịt mắt trước luồng tôm đi qua cảng Hải Phòng vào Trung Quốc do thiếu hụt nguồn cung trên thị trường Trung Quốc và chỉ tăng cường giám sát khi nguồn cung trên thị trường nội địa trở nên dồi dào hơn.
Các vụ bắt giữ của Trung Quốc
Cảnh sát và các nhà chức trách hải quan Trung Quốc đang tăng cường giám sát hoạt động kinh doanh tại Trạm Giang, Nam Ninh, Thượng Hải, Thiên Tân, Thanh Đảo và Thẩm Dương, khi bắt giữ 25 đối tượng vào ngày 31/10, theo thông báo từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Khoảng 1.300 tấn thủy sản đông lạnh đã được kiểm tra và kiểm tra chéo với các hợp đồng cung cấp và chứng từ nhập khẩu.
Các hoạt động chống buôn lậu tại Trung Quốc diễn ra thường xuyên hơn kể từ một loạt các cuộc bắt bớ từ đầu năm đến nay. Các nhà chức trách Trung Quốc đã phá vỡ tuyến buôn lậu cá hồi trị giá 100 triệu USD vào cuối tháng 3 vừa qua. Tuy nhiên, vẫn còn một lượng lớn tôm từ Ecuador vào Trung Quốc thông qua Việt Nam, với ước tính 105.233 tấn tôm Ecuador đã xuất khẩu sang Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2018.
Một nhà sản xuất Ấn Độ trả lời Undercurrent News cho biết ưu tiên bán thẳng tôm sang thị trường Trung Quốc và trả thuế, hoặc chuyển hướng sang thị trường Nga. “Tuyến thương mại qua Hải Phòng quá rủi ro”, công ty Ấn Độ này cho biết. “Chúng tôi chỉ bán nếu họ trả tiền trước”.