Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ông Vũ Văn Tám cho rằng, càng gặp nhiều khó khăn, rào cản, sản xuất và nuôi trồng thủy sản ngày càng phải nâng cao năng suất, chất lượng về mọi mặt. Tăng cường đầu tư, cải thiện kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, quy trình sản xuất, chất lượng vật tư… hoàn thiện sản phẩm, đáp ứng được nhu cầu của thị trường, kể cả những thị trường khó tính nhất.
Thưa ông, nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là EU thường đưa ra các quy định rất ngặt nghèo đối với chất lượng thủy sản. Các quy định đó nhiều khi chỉ là cớ để kiềm chế nhập khẩu, bảo vệ thị trường, ông nghĩ gì về điều này?
Chúng ta đã vào WTO và chấp nhận nền kinh tế thị trường nên phải thực hiện theo quy định của thị trường và các quy định của quốc tế. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam phải chấp hành và thực hiện các yêu cầu đưa ra đối với sản phẩm thủy sản xuất khẩu; phải đảm bảo các tiêu chuẩn và quy định theo thông lệ quốc tế, yêu cầu của các nước đưa ra.
Để khắc phục điều đó có 4 nhóm giải pháp quan trọng. Một là quản lý sản xuất trong nước để đạt được các tiêu chuẩn của Việt Nam và cũng đáp ứng được các yêu cầu của thị trường. Thủy sản Việt Nam thời gian qua đã xuất khẩu sang trên 136 thị trường. Hầu như các thị trường khó tính chúng ta đều đã đáp ứng được yêu cầu bởi trong sản xuất, nuôi trồng thủy sản chúng ta đã có một hệ thống quản lý chất lượng khá tốt.
Thứ hai, chúng ta đã có sự hỗ trợ của nhiều nước nên đang xây dựng được một ngành sản xuất thủy sản có chất lượng và phát triển bền vững. Các quy trình nuôi, kiểm soát chất lượng các yếu tố đầu vào đang được đẩy mạnh thực hiện.
Thứ ba là phải đấu tranh với các rào cản thương mại và rào cản kỹ thuật không phù hợp của các nước muốn dựng lên để ngăn chặn nhập khẩu. Đặc biệt là những rào cản bất hợp lý thì phải đấu tranh cương quyết.
Thứ tư là chúng ta phải tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại cũng như thông tin quảng bá sản phẩm của nước ta. Nhiều khi sản phẩm của nước ta rất tốt nhưng bị oan bởi người tiêu dùng thiếu thông tin đầy đủ, chính xác.
Gần đây thị trường Nhật Bản có quy định về dư lượng kháng sinh trong tôm rất ngặt nghèo, đó là một bất hợp lý khiến XK tôm vào thị trường này khó khăn, bộ có chính sách gì để tháo gỡ điều đó và hướng của năm 2013 ra sao?
Hiện nay, các quy định về dư lượng kháng sinh trong tôm của Nhật Bản rất thấp và các nhà XK nước ngoài khó có thể đáp ứng được. Những quy định đó thường là rất khắt khe và bất hợp lý.
Chúng ta cũng chủ động chỉ đạo các cơ quan chức năng và địa phương, hướng dẫn các doanh nghiệp có các biện pháp hạn chế hàm lượng ethoxyquin quá cao trong thức ăn và các sản phẩm khác trong phục vụ nuôi trồng tôm.
Tại hội nghị ngày 12/12 ở Bến Tre, tổng kết sản xuất tôm nước lợ và phòng chống dịch bệnh, nhiều đại biểu có kinh nghiệm thực tiễn trong nuôi trồng lâu năm cho rằng, kể cả khi cho tôm ăn có thức ăn ethoxyquin hàm lượng cao, trước khi xuất bán thu hoạch, bỏ đói từ 1 - 2 ngày, con tôm đã thải hết chất ethoxyquin, đảm bảo yêu cầu của Nhật Bản.
Không đợi đến năm 2013 mà ngay trong năm 2012 này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo tổng lực để kiểm tra, kiểm soát chất lượng vật tư đầu vào, đặc biệt là chế phẩm sinh học cũng như chất xử lý, cải tạo môi trường.
Thời gian qua chúng ta không kiểm soát tốt, chính vì thế chất lượng không đảm bảo; người nuôi, người dân không được hướng dẫn đầy đủ nên tốn tiền lại mua phải những vật tư "dởm".
Bộ NN&PTNT và Tổng cục Thủy sản cũng đã tích cực trong tăng cường kiếm soát vật tư đầu vào, giống và chế phẩm.
Bộ NN&PTNT và các bộ đã cùng kiến nghị với Chính phủ, trao đổi với phía đối tác Nhật Bản để đấu tranh, sửa đổi các bất hợp lý khi đưa các hạn mức.
Không chỉ chờ kết luận từ phía cơ quan chức năng Nhật Bản, bản thân chúng ta cũng đã vào cuộc mạnh mẽ, dùng các phương pháp, biện pháp để vẫn sử dụng thức ăn hợp lý cho tôm, thay thế bằng các thức ăn khác mà chất lượng sản phẩm vẫm đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Hiện nay cũng có một thực tế là các doanh nghiệp sản xuất và nuôi trồng cá tra cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng không tốt đến xuất khẩu. Để phát triển bền vững mặt hàng cá tra, bộ có giải pháp như thế nào thưa ông?
Cá tra Việt Nam là sản phẩm chủ lực, có thế mạnh, có ưu thế cạnh tranh đối với thị trường thế giới và gần như chúng ta đứng “một mình, một chợ”. Tuy nhiên, vừa qua các phương tiện thông tin đại chúng cũng nêu nhiều về các bất cập và thiếu bền vững của ngành nuôi trồng, sản xuất loại thủy sản này.
Đặc biệt, năm 2012, xuất khẩu cá tra ngoài khó khăn chung của tình hình kinh tế thế giới có các khó khăn riêng của ngành. Các khó khăn này có nhiều yếu tố chủ quan của chúng ta nhiều hơn.
Khó khăn về tiêu thụ, ngoài rào cản thương mại là những khó khăn do các doanh nghiệp nhập khẩu ở các thị trường ép giá, bản thân các doanh nghiệp xuất khẩu cũng cạnh tranh với nhau, thiếu tổ chức.
Ở trong nước, về nguyên liệu phát triển quá nóng, thiếu sự kiểm soát. Sự liên kết giữa doanh nghiệp và người nuôi hình thành từ năm 2008, tuy nhiên đến nay vẫn chưa rõ nét.
Gần đây, do khủng hoảng kinh tế, tín dụng thắt chặt đã làm cho vốn vay cung cấp cho người nuôi, doanh nghiệp gặp khó khăn.
Để khắc phục tình trạng này, cần có quá trình và không thể nóng vội. Tuy nhiên, để phát triển bền vững trước hết phải tổ chức lại xuất khẩu cá tra ra thị trường. Tập trung vào tổ chức lại sản xuất, nguyên liệu trong nước trên cơ sở quy hoạch. Sau đó là kiểm soát tốt các yếu tố đầu vào, đặc biệt là về giống, thức ăn, chế phẩm… Qua đó giảm chi phí cho người nuôi bằng việc chuyển giao khoa học công nghệ cho sản xuất và kiểm soát quy trình. Kết nối người nuôi, doanh nghiệp trong chuỗi sản phẩm từ ao nuôi cho tới chế biến và xuất khẩu. Với các giải pháp như vậy, tin rằng sẽ tìm được lối ra sáng hơn.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Về khoản tiền trên 38.000 tỷ đồng mà Ngân hàng Nhà nước cho rằng đã giải ngân cho sản xuất cá tra trong 9 tháng đầu năm, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết, Bộ NN&PTNT đã tổ chức đoàn kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Công văn 1149 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách cấp bách của cá tra và chăn nuôi.
Bộ đã có báo cáo với Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Phó Thủ tướng đã có cuộc họp với các bộ, ngân hàng để đánh giá vấn đề này.
Bộ cũng đã có các kiến nghị phản ánh dư luận và ý kiến của VASEP để Ngân hàng Nhà nước xem lại nguồn tiền tín dụng cho vay với cá tra thực chất tới được người nuôi và vào doanh nghiệp chế biến như thế nào, đã phù hợp chưa.