Hồi chuông báo động
Ngày 17.8, tàu cá QNa - 90909 của ông Huỳnh Châu Thuật (xã Tam Tiến, Núi Thành) khi đang sản xuất cách vùng biển Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, TP.Hội An) 12 hải lý thì không may bị dông lốc gây phá nước. Nhận được tin tàu bạn bị nạn, ông Đặng Viết Minh (xã Tam Tiến) đã điều khiển tàu cá kịp thời ứng cứu 4 lao động trên tàu bị nạn, đồng thời kêu gọi thêm 7 tàu cá khác đến giúp đỡ. Rất may là không có sự cố đáng tiếc về người nhưng tàu cá của ông Thuật bị phá nước đã chìm.
Trước đó một ngày, tàu cá QNa-92151 của ông Nguyễn Nhất (phường Thanh Hà, TP.Hội An) bị hỏng máy khi đang sản xuất cách bờ biển Cửa Đại (Hội An) 132 hải lý. Nhận được thông tin, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh liên lạc với các tàu cá đánh bắt gần đó đến ứng cứu, lai dắt vào bờ.
Xa hơn, ngày 26.2, tàu cá QNa - 91568 của ngư dân Đặng Văn Hội (xã Tam Giang, Núi Thành) bị hỏng máy, trôi dạt cách mũi An Hòa (Núi Thành) khoảng 164 hải lý. Sau đó một ngày, tàu cá QNa - 95567 của ông Phạm Phú Thành (xã Bình Minh, Thăng Bình) cũng bị hỏng máy, trôi dạt cách mũi An Hòa khoảng 445 hải lý. Cả 2 tàu cá gặp nạn đều được các tàu cá đánh bắt hải sản gần ngư trường ứng cứu, lai dắt về bờ. Các tàu cá trên đều cũ, máy thủy đã qua sử dụng lâu ngày nên rất dễ hư hỏng.
Một vấn đề đáng lo nữa, trong thời gian qua rất nhiều tàu cá của ngư dân trên địa bàn tỉnh bị cháy khi đang sản xuất hoặc neo đậu gần bờ. Mặc dù khi thiết kế, lắp đặt đường dây, các chủ tàu đã đề phòng nguy cơ chập điện gây cháy nhưng do công suất tiêu thụ quá lớn, dây tải điện sau thời gian dài hoạt động thoái hóa nhanh. Ngoài ra tình trạng chuột cắn dây điện trên tàu luôn tiềm ẩn nguy cơ chập điện gây cháy tàu.
An toàn cho tàu cá
Ông Trần Quang Kiến - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản nói, ngành chức năng thực hiện đăng kiểm 4 lần mỗi tháng ở cả phía bắc và phía nam của tỉnh nên các chủ tàu cần nghiêm túc thực hiện đăng kiểm để ngành chức năng kiểm tra, chứng nhận các điều kiện an toàn kỹ thuật về máy móc và thân tàu. Sau khi được đăng kiểm, các chủ tàu cá cần thường xuyên quan sát, theo dõi hoạt động của phương tiện, nếu phát hiện tín hiệu bất thường thì kịp thời kiểm tra, sửa chữa. Khi ra khơi, mỗi tàu cá cần có máy trưởng, thợ máy để xử lý các tình huống bất ngờ xảy đến.
“Lao động trước khi xuống tàu cá đi biển cần được đào tạo bài bản kỹ năng đi biển, đánh bắt hải sản và an toàn lao động. Chủ tàu phải thường xuyên kiểm tra tình trạng trang thiết bị điện trên tàu cá, bảo đảm các yêu cầu phòng chống cháy nổ” - ông Trần Quang Kiến khuyến cáo.
Liên quan đến công tác đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khai thác hải sản, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết, trước mỗi mùa mưa bão, đều giao Sở NN&PTNT phối hợp chặt chẽ với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, các sở, ngành liên quan, các địa phương có nghề cá, xây dựng kế hoạch phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn với nhiều phương án hỗ trợ ngư dân sản xuất an toàn trên biển. Tăng cường kiểm soát tàu cá ra vào cảng An Hòa, Cửa Đại. Cơ quan chức năng tuyệt đối không cho ra khơi đối với tàu cá không đảm bảo an toàn đi biển, không có đủ trang thiết bị áo phao, phao tròn, hệ thống thông tin liên lạc… Đặc biệt khi có bão trên biển, lực lượng biên phòng túc trực 24/24, kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền hoạt động trên biển về nơi trú ẩn, sắp xếp neo đậu an toàn, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và phương tiện cho ngư dân.