Nuôi tôm nước lợ hai giai đoạn là quy trình rất chuẩn và khoa học, đòi hỏi người áp dụng phải hiểu rõ về thiết kế và các nguyên tắc cơ bản của các thiết kế này, đồng thời có kinh nghiệm quản lý môi trường ao và sức khỏe tôm nuôi thật chắc. Cụ thể, mô hình cần ít nhất 1 ao ương tôm giai đoạn còn nhỏ, 1 ao nuôi chính và các ao lắng xử lý nước trước khi đưa qua ao nuôi chính. Mô hình đề cao tính an toàn trong nuôi thủy sản, vì ưu tiên các biện pháp xử lý nước bằng cá rô phi, chế phẩm vi sinh. Đây là mô hình gần như khép kín, thành công rất cao.
Lịch thả giống tôm nước lợ của thị xã Vĩnh Châu bắt đầu từ đầu tháng 4, nên hiện tại là thời gian để bà con chuẩn bị ao. Năm nay, 19 thành viên HTX nuôi tôm Hòa Nghĩa mạnh dạn đầu tư cho mô hình này. Ông Ngô Thanh Tuấn, Giám đốc HTX cho biết: “Vụ nuôi tôm năm nay, HTX có 2 hướng để phát triển và nuôi thành công hơn, như nuôi tôm 2 giai đoạn từ ao vèo rồi mới đưa ra ao nuôi với mô hình có mái che, phủ bạt đáy. Phương thức thứ 2 là vận động thành viên HTX làm ao đất có xi phông đáy để thay nước thường xuyên, ứng phó với biến đổi khí hậu”.
Là thành viên HTX, ông Nguyễn Quốc Tuấn, cho biết: “Cái lợi của mô hình nuôi tôm phủ bạt có mái che là giúp giảm lượng nắng nóng của thời tiết đối với ao nuôi; số lượng tôm nuôi đạt kết quả cao hơn. Vì nếu nuôi tôm trong ao đất thường thì tôm đạt 100 đến 120 con/kg là có nguy cơ bị sự cố, nhưng ao nuôi có phủ bạt thì đạt đến 30con/kg”.
Theo ông Lê Quang Minh, Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú Y thị xã: “Hiện, Trạm đã xây dựng một số mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn, nhưng do chi phí đầu tư cao, nên chỉ có một số hộ nuôi có điều kiện thì mới đầu tư được và đa số mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn tập trung ở xã Hòa Đông, Vĩnh Hiệp và phường Khánh Hòa”.
Theo các hộ nuôi, cần hơn 100 triệu đồng cho những hạng mục cơ bản của hệ thống nuôi tôm hai giai đoạn này, chưa kể đến các chi tiết phụ trợ như hệ thống xi phông đáy, oxy đáy, hệ thống ống ngầm trao đổi nước… Ngoài ra, mô hình cần diện tích lớn, 70% diện tích này để ương con giống và xử lý nước, 30% còn lại mới là diện tích nuôi tôm chính. Đây là những trở ngại lớn để mô hình được nhân rộng. Bên cạnh các giải pháp quản lý mùa vụ, rất cần các ngành chức năng có chính sách hỗ trợ người dân đầu tư áp dụng kỹ thuật, nhân rộng mô hình mới, để vụ nuôi đạt kết quả cao.