Trong Báo cáo hiện trạng môi trường tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2015-2020 (UBND tỉnh phê duyệt, công bố vào đầu tháng 3-2021): Trên địa bàn tỉnh ghi nhận hiện còn 16 loài thú. Trong đó 3 loài thú ăn thịt nhỏ được tìm thấy ở khu vực đất hoang, bãi lầy thuộc cù lao Lục Sĩ Thành - Phú Thành nhưng rất hiếm gặp. Một số loài thú gặm nhấm nhỏ như chuột, sóc cây còn khá phổ biến. Còn 2 loài thú hiếm nuôi nhốt là nhím đuôi ngắn và khỉ đuôi dài.
Tỉnh có 55 loài chim, trong đó có 2 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam năm 2007 (Sách ghi danh sách các loài động thực vật ở Việt Nam thuộc loại quý hiếm, đang bị giảm sút số lượng hoặc có nguy cơ tuyệt chủng) là loài cổ rắn và cốc đế. Một số loài chim rừng còn sót lại rất ít vì môi trường sống không phù hợp.Trong tổng số 40 loài lưỡng cư, bò sát (như ếch giun, thằn lằn bóng, chàng xanh, ba ba Nam Bộ,...) thì có 11 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam (chiếm tỷ lệ khá cao 27,5%).
TS Lê Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Quan trắc môi trường Miền Nam (thuộc Tổng cục Môi trường) - đơn vị tư vấn thực hiện Báo cáo hiện trạng môi trường tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2015-2020, cho rằng: Áp lực phát triển kinh tế - xã hội, tác động của ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu (BÐKH)… làm suy giảm nhanh các loài động vật tự nhiên. Nguồn chất thải từ sinh hoạt, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ… chưa được xử lý triệt để trước khi thải vào các kinh rạch, sông ngòi, đã góp phần gây ô nhiễm nguồn nước và làm suy giảm đa dạng sinh học của các thủy vực, trong đó khu hệ thủy sinh vật bị tác động mạnh nhất. Các hoạt động chuyển đổi mục đích sử dụng đất phục vụ sản xuất, làm mất đi nơi cư trú của nhiều loài động, thực vật, cũng là một trong những tác nhân dẫn đến sự tuyệt chủng của một số loài động, thực vật, đặc biệt là loài quý hiếm, đặc hữu.
BÐKH là nguyên nhân quan trọng dẫn tới suy giảm hệ sinh thái và đa dạng sinh học. Sự thay đổi nhiệt độ nước, mực nước, lưu lượng, đặc biệt là tần suất và thời gian của những trận lũ, hạn hán lớn, xâm nhập mặn, làm giảm sản lượng sinh học, sự diệt vong của nhiều loài động thực vật bản địa, tác động trực tiếp đến nền kinh tế của tỉnh.
Ngoài ra, nguồn lợi tự nhiên bị săn bắt, đánh bắt mọi lúc mọi nơi kiểu tận diệt là nguyên nhân gốc rễ làm sụt giảm nhanh lượng tôm, cá, chim thú tự nhiên trong những năm gần đây.
Năm 2016, UBND tỉnh Vĩnh Long phê duyệt, công bố “Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Vĩnh Long giai đoạn năm 2015-2020 và định hướng đến năm 2030”. Ðể tiến hành các giải pháp bảo tồn theo quy hoạch, ngành chức năng đã thống kê hiện trạng các loài động vật hoang dã hiện có trong tỉnh. Theo số liệu của Chi cục Kiểm lâm và Quản lý Chất lượng Nông lâm thủy sản, các loài động vật hoang nguy cấp, quý, hiếm hiện có trên địa bàn tỉnh, gồm: 50 cá thể cá sấu bố, mẹ, 100 cá thể trăn đất bố, mẹ (thuộc loài nguy cấp quý hiếm theo Nghị định số 6/2019/NÐ-CP ngày 22-1-2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm) được gây nuôi tại cơ sở; khoảng 150 cá thể với 35 loài được gây nuôi tại các khu du lịch (trong đó có 5 loài, với 6 cá thể ưu tiên bảo vệ).
Bên cạnh đó cũng đã có 100% các hộ, trang trại nuôi động vật hoang dã được quản lý theo đúng quy trình về bảo tồn động vật hoang dã và 100% các loài động vật hoang dã quý hiếm, nguy cấp có hồ sơ lý lịch theo dõi, trong đó có 57 trại nuôi có đăng ký gây nuôi các loài động vật rừng được quy định tại Nghị định số 6/2019/NÐ-CP của Chính phủ.
Trong giai đoạn năm 2015-2020, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Sở Giáo dục và Ðào tạo, UBND cấp huyện triển khai 3 dự án truyền thông về bảo tồn đa dạng sinh học tại huyện Trà Ôn, Vũng Liêm và Long Hồ cho cán bộ quản lý, giáo viên và 117 cộng đồng dân cư, với 18 lớp tập huấn có 1.682 người tham dự. Dự án không những giúp nâng cao nhận thức về bảo tồn đa dạng sinh học cho những người tham gia mà còn tạo sự lan tỏa trong cộng đồng dân cư.
Tuy nhiên, theo báo cáo của cơ quan chức năng, công tác quản lý, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản thì còn gặp khó. Hiện công tác xử lý vi phạm trên lĩnh vực này đã được phân cấp trực tiếp cho UBND cấp xã. Lực lượng chuyên trách (Công an xã) ở đây quá mỏng, thiếu kinh phí, phương tiện chuyên dụng nên khó hoạt động. Phần lớn chính quyền địa phương còn nhẹ tay hoặc bỏ ngỏ vì đối tượng vi phạm đều là hộ nghèo, là người quen hoặc là bà con cùng chung xóm, ấp nên không nỡ ra tay xử phạt nặng...