Chỉ tính riêng tháng 4/2023, XK cá tra sang thị trường này đạt 15 triệu USD, giảm 21% so với tháng trước và giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, tính đến hết tháng 4/2023, ngành XK cá tra Việt Nam chứng kiến hầu hết các thị trường trong khối EU giảm NK mặt hàng này, mức sụt giảm thấp nhất là 13%, cao nhất là giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Top 3 thị trường chính trong khối giảm NK cá tra Việt Nam là: Hà Lan giảm 22%, Bỉ giảm 13%, Tây Ban Nha giảm 30%. Trong khi đó, thị trường Đức khả quan hơn, vẫn ghi nhận tăng trưởng dương 78% trong 4 tháng đầu năm nay.
EU từng là thị trường NK cá tra lớn nhất của Việt Nam với doanh số đạt đỉnh 511 triệu USD vào năm 2010, chiếm 36% XK cá tra của Việt Nam. Tuy nhiên, trong những năm sau đó, XK cá tra sang thị trường này giảm mạnh do chiến dịch truyền thông bôi nhọ cá tra ở một số nước châu Âu.
Năm 2022, XK cá tra Việt Nam sang EU tăng trưởng đột phá do nhu cầu tăng mạnh sau thời gian dài bị ảnh hưởng của dịch COVID-19. Đặc biệt, ưu đãi từ Hiệp định EVFTA phát huy lợi thế trong khi xung đột Nga - Ukraine cùng hàng loạt lệnh trừng phạt của các nước với kinh tế và thương mại của Nga, đã làm tăng nhu cầu của EU về NK cá thịt trắng từ Việt Nam.
XK cá tra sang EU 4 tháng đầu năm nay có giảm so với cùng kỳ năm ngoái nhưng so với cùng kỳ những năm trước đó, đây cũng là con số đáng ghi nhận trong nỗ lực từng bước đưa cá tra Việt Nam trở lại đường đua sau hàng chục năm bị “mờ nhạt”.
Tuy nhiên, việc từng thị trường trong khối thị trường EU có những kiểm soát riêng lại là một trong những trở ngại đối với thuỷ sản Việt Nam khi XK sang EU trong đó có cá tra. Doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ, để có thể tận dụng tối đa ưu đãi thuế quan, cũng như áp dụng tốt nhất các quy tắc xuất xứ khi XK cá tra vào thị trường EU.