Toàn tỉnh hiện có gần 100ha áp dụng hình thức nuôi tôm siêu thâm canh. Qua khảo sát thực tế tại những vùng nuôi tôm theo hình thức công nghiệp cho thấy, nhiều hộ nuôi tôm chưa tuân thủ tốt các quy định về bảo vệ môi trường như bố trí hệ thống xử lý chất thải, nước thải chưa đáp ứng theo quy định.
Anh Trần Chí Hiếu, (xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình) chia sẻ: “Khi nuôi tôm công nghiệp, tôi phải xây dựng hệ thống chứa và xử lý chất thải. Song, không phải hộ nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh nào cũng thực hiện tốt quy trình này”. Đơn cử như kênh dẫn nước phục vụ sản xuất của bà con nằm dọc theo tuyến đường Lò Rèn (phường 5, TP. Bạc Liêu - đoạn gần giáp ranh với xã Hiệp Thành) bị ô nhiễm khá nặng. Nguyên nhân là do một hộ nuôi tôm siêu thâm canh gần đó xả thải nước không qua xử lý.
Nghề nuôi tôm ngày càng phát triển, song ý thức về tác hại của việc sử dụng hóa chất, kháng sinh trong nuôi tôm của người nuôi chưa cao; việc nuôi tôm bằng chế phẩm sinh học và xử lý chất thải trước khi thải ra môi trường cũng chưa được người nuôi tôm quan tâm. Bên cạnh đó, hạ tầng phục vụ nuôi tôm ở nhiều nơi chưa thật sự hoàn chỉnh, nhiều khu nuôi tôm chưa có kênh cấp, kênh xả nước riêng biệt; thậm chí nhiều đoạn kênh bị bồi lắng, đáy kênh cao hơn đáy ao nuôi tôm. Hậu quả là mầm bệnh vẫn tồn lưu khi nước ở các ao nuôi tôm bị bệnh thải ra môi trường, gây khả năng lây nhiễm rất cao.
Khi môi trường ngày càng xấu đi, việc lựa chọn các mô hình nuôi tôm an toàn sinh học được đưa ra. Trong đó, nuôi thủy sản theo mô hình VietGAP, Biofloc, nuôi an toàn sinh học (không sử dụng hóa chất, kháng sinh) là những mô hình tránh được những tác động do nguồn nước và mang lại hiệu quả cao, cần được tuyên truyền và nhân rộng.