Đạt được kết quả này nhờ các doanh nghiệp đã chủ động tìm được thị trường xuất khẩu mới từ các nước châu Á, một số nước Ả-rập, Ôx-trây-li-a, Hồng Công (Trung Quốc) và Hàn Quốc. Bên cạnh đó, thông qua Hiệp hội chế biến thủy sản Việt Nam và Tham tán Thương mại ở các nước, các doanh nghiệp cũng tìm hiểu thêm đối tác, phương thức thanh toán, quảng bá thương hiệu và chất lượng sản phẩm tiếp cận thị trường để giao dịch, tăng kim ngạch xuất khẩu.
Để giữ uy tín chất lượng sản phẩm với người tiêu dùng tại những thị trường mới, các doanh nghiệp đang gia tăng kiểm soát chất lượng nguyên liệu đầu vào chặt chẽ. Tuy còn thiếu tôm chế biến, nhưng các doanh nghiệp kiên quyết không mua tôm có tạp chất để chế biến, lựa chọn điểm thu mua có uy tín làm đại lý thu mua tôm nguyên liệu cho doanh nghiệp, bảo đảm sản phẩm khi xuất khẩu đạt chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Các doanh nghiệp cũng đang soát xét lại từng khâu quản lý trong dây chuyền, triệt để thực hiện tiết kiệm điện, nước, nhiên liệu; đồng thời liên kết với các doanh nghiệp cùng ngành nghề thực hiện chương trình tham gia vào chuỗi sản xuất, gắn chặt quyền lợi giữa các nhà để dễ dàng thực hiện truy xuất nguồn gốc khi có yêu cầu.
Tuy nhiên, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trong tỉnh vẫn đang gặp khó khi tiếp cận vốn từ ngân hàng. Tuy lãi suất có giảm nhưng điều kiện để vay cũng còn khó khăn, nên doanh nghiệp chưa chủ động được trong việc hoạch định kế hoạch sản xuất kinh doanh dài hơi, mà chỉ mua nguyên liệu chế biến theo từng hợp đồng./.