Qua trò chuyện với anh Trường được biết: Trải qua nhiều nghề để kiếm sống, song kinh tế gia đình cũng chẳng khá giả lên được, cái đói, cái nghèo cứ đeo đẳng mãi. Năm 2006, khi địa phương có chủ trương chuyển đổi các diện tích trũng sang nuôi trồng thủy sản, anh đã mạnh dạn nhận thầu 3ha để nuôi lợn, thả cá. Ban đầu anh gặp phải rất nhiều trở ngại, từ nguồn vốn hạn hẹp, đường đi lại rất khó khăn đến kinh nghiệm nuôi trồng thủy sản cũng không có nhiều. Do đó, anh đã mua máy xúc làm thêm để có nguồn vốn đầu tư nuôi thả cá và còn chủ động tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ sách, báo; thấy ở đâu có cách làm hay có thể áp dụng được anh lại lăn lội đến tận nơi để thăm quan, học hỏi. Đặc biệt, anh còn tích cực tham gia các lớp tập huấn, các lớp dạy nghề ngắn hạn để có thêm kiến thức.
Để thuận tiện cho việc nuôi các loại cá khác nhau và thuận lợi trong chăm sóc, thu hoạch, Anh đã chia thành 4 ao lớn và 3 ao nhỏ với tổng diện tích mặt nước hơn 2 ha, chủ yếu nuôi các loại cá như: trôi, mè, trắm, chép…gần đây anh đã dành riêng 1 ao để nuôi cá rô phi và đầu tư 10 triệu đồng lắp đặt hệ thống quạt nước tạo sóng đảm bảo ô xy cho cá. Tận dụng bờ ao anh trồng các loại cây ăn quả và dành riêng 1 mẫu đất để trồng các loại cỏ cho cá. Để có thêm nguồn thu nhập, anh đã xây dựng chuồng trại nuôi lợn, mỗi năm gia đình xuất chuồng khoảng 200 con. Đất không phụ công người- mô hình VAC của gia đình anh Trường đã cho thu nhập tăng dần theo từng năm. Đến nay, ước tính doanh thu mỗi năm gia đình anh đạt từ 700-800 triệu đồng, trừ chi phí các khoản thu lãi 250 triệu đồng và còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Nói về kinh nghiệm nuôi cá, anh Trường cho biết: Nuôi trồng thủy sản tuy vất cả song ổn định, ít khi bị mất trắng. Để cá nhanh lớn, ít bị bệnh, sau khi thu hoạch cần rắc vôi khử trùng; đặc biệt, cần nhập con giống ở những cơ sở có uy tín; mua các loại cám đảm bảo chất lượng và cho cá ăn các thức ăn như: thóc, ngô, cỏ…Trong một năm cá thường có 2 đợt dễ bị bệnh và chết đó là: từ tháng 3 đến tháng 5 và tháng 8,tháng 9, bởi vậy cần thường xuyên theo dõi và có biện pháp xử lý kịp thời; chú trọng đảm bảo đủ ô xy cho cá.
Không chỉ làm giầu cho gia đình, anh Trường còn chủ động giúp đỡ nhiều nông dân khác về kinh nghiệm sản xuất. Ngoài ra, anh còn là hội viên nông dân xã Quảng Phú, gương mẫu đi đầu trong thực hiện các phong trào, các cuộc vận động do Hội và địa phương phát động.
Nuôi trồng thủy sản kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm là một hướng đi đúng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tuy nhiên hiện tại gia đình anh còn gặp nhiều khó khăn về hệ thống giao thông đi lại, đường điện đến khu chuyển dịch. Do vậy, các cấp chính quyền cần có sự quan tâm đúng mức để giúp anh cũng như nhiều nông dân khác có điều kiện đầu tư phát triển kinh tế, làm giầu ngay chính mảnh đất quê hương.