Bão diễn biến phức tạp và nhiều bất ngờ
Đây là một cơn bão mạnh lên từ áp thấp nhiệt đới từ hôm qua. Sau khi vào biển Đông sẽ có tên là bão số 12, hiện có tên là Krosa theo tiếng Hàn Quốc là Con cò. Lúc 13 giờ ngày 30/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,8 độ Vĩ Bắc; 128,4 độ Kinh Đông, cách đảo Lu-Dông (Philippin) khoảng 670km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10, giật cấp 12, cấp 13.
Nhận định về cơn bão, ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương cho hay, sáng nay (30/10), Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương đã phát tin bão, từ sau khi thành bão mạnh lên khá nhanh.
Với tốc độ khá nhanh 20km/h và tiếp tục mạnh lên, dự kiến khi quét qua phía bắc đảo Ludong vào tối khuya 31/10, bão Con cò sẽ vào biển Đông, tiếp tục di chuyển theo Tây Tây Bắc là chủ yếu có thể lệch Tây Bắc một chút và tiếp tục mạnh lên. Khi đến Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa có thể mạnh nhất là lên cấp 13, giật cấp 16.
Đây là cơn bão cuối mùa nên diễn biến của bão sẽ rất phức tạp, có điều kiện thay đổi bất thường.
Hiện các đài dự báo các nước như Hồng Kong cho là bão sẽ đi theo hướng Tây Tây Bắc, vòng qua đảo Hải Nam và vào phía Nam vịnh Bắc bộ, khi đó khá mạnh với cấp 11. Theo nhận định của ông Tăng, đây là trường hợp xấu nhất.
Tuy nhiên, vẫn còn trường hợp mô hình dự báo cho ra những hướng đi khác. Ông Tăng nói: “Theo tính toán của chúng tôi gần đây bão có xu hướng lệch bắc nhiều hơn, nhiều khả năng ma sát chạm đảo Hải Nam và Lôi Châu (Trung Quốc) sẽ suy yếu hơn trước khi vào vịnh Bắc bộ, có thể suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Với khả năng này thì có lợi cho nước ta”
Thêm điều kiện nữa là khoảng 2/11 – 3/11 sẽ có không khí lạnh tác động đến cơn bão và đây cũng là bão cuối mùa nên cần theo dõi sát các diễn biến bất thường. Trong vòng 72h thì bão sẽ đi theo hướng Tây Tây Bắc, nhưng đến 2/11 – 3/11 không khí lạnh xuống sẽ ép xuống, có thể làm bão quặt hướng theo Tây Tây Nam.
Nhận định về thời gian đổ bộ cũng như các tác động xấu từ cơn bão này, ông Bùi Minh Tăng cho hay: “Từ nay đến thứ 7, vùng nguy hiểm sẽ chủ yếu trên biển. Vùng nguy hiểm là từ Vĩ tuyến 15 trở lên và phía đông Kinh tuyến 110, tàu bè tránh di chuyển vào vùng này. Nếu vào bờ thì sớm nhất là ngày 3/11 – 4/11 tức là vào tuần sau”.
Do ảnh hưởng của bão, từ trưa mai (31/11), biển Đông có gió mạnh. Từ Hoàng Sa trở lên phía Bắc nằm trong vùng gió cấp 6 trở lên. Tính tính theo xác suất thì khoảng 80% vùng ảnh hưởng mạnh đi giữa phía Nam đảo Hải Nam đến phía Nam của bán đảo Lôi Châu.
Về lượng mưa, ông Tăng cho hay, nếu vào miền Bắc thì mưa cũng không nhiều, mùa này chỉ mưa ven biển, vào đất liền mưa không đáng kể.
Đường đi của bão Con cò lúc 13h chiều nay (Nguồn: TTDBKTTV)
Quản lý chặt điều tiết hồ chứa trước bão
Theo Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão trung ương, các hồ chứa thuộc các tỉnh từ Bắc bộ đến Hà Tĩnh hầu hết đã đầy nước. Từ Quảng Bình trở vào có hồ Hòa Mỹ (Thừa Thiên Huế), Khe Tân, Thạch Bàn (Quảng Nam) đã đầy nước.
Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn cho hay, đã yêu các các đơn vị trong toàn quân, Cảnh sát biển triển khai công tác đối phó, Bộ đội biên phòng hợp tác với địa phương kêu gọi tàu thuyền.
Theo báo cáo của Cơ quan thường trực Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tính đến 15h ngày 30/10, đã thông báo, kiếm đếm, hướng dẫn cho 22.920 phương tiện/148.962 lao động biết diễn biến của bão Krosa để chủ động di chuyển và phòng tránh.
Hiện ở khu vực Bắc và giữa biển Đông còn hơn 1.600 người ngoài biển, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đề nghị các tỉnh gồm Quảng Nam, Đà Nẵng và Bình Định khẩn trương kêu gọi các ngư dân trên vào nơi an toàn. Vùng nguy hiểm, chúng tôi nhất trí từ Bắc Vĩ tuyến 15. Bộ Quốc phòng đã sẵn sàng lực lượng 1.983 người, 257 phương tiện các loại trong đó có 175 tàu xuồng và hơn 200 ô tô các loại sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống. Bộ Quốc phòng sẽ tiếp tục chỉ đạo Bộ đội biên phòng phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, đặc biệt là ở khu vực Trường Sa để kêu gọi tàu thuyền.
Tổng cục Thủy sản đã thông báo cho các tàu thuyền bằng cách gửi tin nhắn trực tiếp ra các tàu. Hoàng Sa có 79 tàu, vịnh Bắc bộ có 130 tàu. “Chiều nay và trong ngày mai chúng tôi sẽ có thông báo điều động các tàu ra khỏi vùng nguy hiểm”, đại diện Tổng cục Thủy sản cho hay.
Hiện Bộ Ngoại giao đã có công hàm gửi phía Trung Quốc yêu cầu hỗ trợ phòng tránh bão đối với ngư dân.
Bộ trưởng Cao Đức Phát nhận định, cơn bão số 12 nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng trực tiếp nước ta, diễn biến phức tạp và cường độ cũng khá mạnh. Hướng di chuyển tàu thuyền có thể vào bờ hoặc tìm nơi trú ẩn phù hợp tránh xa vùng nguy hiểm, đi về phía Nam không đi về phía Bắc. Đặc biệt lưu ý các tàu thuyền ở phía Bắc Hoàng Sa.
Về công tác chống bão trên bờ, Bộ Trưởng chỉ đạo: “Chúng ta còn thời gian chống bão nhưng cũng phải chuẩn bị trên bờ. Nếu vào miền Trung, có thể có mưa, bây giờ đang là mùa mưa miền Trung, thậm chí không có bão cũng có mưa, theo dân gian thì đây là tháng cao điểm về mưa lũ ở miền Trung. Dù vào đâu cũng nên chuẩn bị các việc cần làm trên bờ là: quản lý hồ chứa, điều tiết nước dự phòng, rà soát, xử lý những sự cố đã xảy ra trong những trận bão trước; có phương án cảnh báo và hỗ trợ cho người dân đối phó với tình huống mưa lớn phải cho nước xảy qua hồ hoặc thậm chí phải xả nước trong trường hợp cấp bách. Không loại trừ trường hợp có sự cố phải xả thì cần phải đề phòng”.
Bộ trưởng cũng đề nghị Bộ Công thương có chỉ đạo các hồ thủy điện, nhiều trường hợp kết hợp cả thủy lợi và thủy điện thì Tổng cục Thủy sản phối hợp với Bộ Công thương rà soát.
Nếu mưa ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, những vùng ngập ven sông Thương, sông Thu Bồn, Vu Gia, Quảng Ngãi sẽ ngập và có lũ lên nhanh, phải có phương án đối phó.
Đặc biệt lưu ý hệ thống điện và thông tin liên lạc trong bão
Qua cơn bão số 10 và 11 vừa qua, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã trực tiếp chỉ huy đoàn công tác phòng chống lụt bão của trung ương chống bão tại các tỉnh miền Trung, qua kinh nghiệm thực tế, Bộ trưởng nhận định, sự cố về hệ thống điện và truyền thông sẽ tác động rất lớn đến việc phòng chống bão.
Cơn số 11 đã có sự chuẩn bị kỹ hơn nên tác động với hệ thống truyền thông đã giảm, đặc biệt là hệ thống cột thông tin liên lạc được đảm bảo hơn nên việc phục vụ công tác chỉ đạo chống bão phát huy hiệu quả, cứu được người trong một số trường hợp nguy cấp. Do vậy, cần tiếp tục rà soát lại, chằng chéo, gia cố để hạn chế tối thiểu việc bão làm gãy đổ cột điện, cột viễn thông.