Cách làm ăn mới về với bản nghèo
Xóm Xe Ngà là nơi sinh sống của bà con người Mường từ nhiều đời nay. Cái đói, cái nghèo còn hiện hữu trên từng nếp nhà nơi đây. Bà con người Mường thường phải tha hương để kiếm việc làm.
Những hộ dân không có điều kiện đi xa phải ở lại với xóm gắn với diện tích sản xuất ít ỏi. Hai tháng gần đây, một sô hộ dân nơi đây đã mạnh dạn chuyển sang nuôi cá lót bạt. Đây là cách nuôi hoàn toàn mới so với cách nuôi cá truyền thống.
Bà Đinh Thị Thành ở khu Xe Ngà là người đầu tiên tham gia chương trình nuôi cá lót bạt. "Ngày đầu cán bộ đến vận động nuôi cá bằng cách lót bạt, tôi không tin lắm. Ở đây, chúng tôi chỉ quen nuôi cá ở trong ao mà thôi", bà Thành chia sẻ.
Những bỡ ngỡ ban đầu của bà Thành cũng dần trôi qua, khi cán bộ kỹ thuật đến hỗ trợ bà cách làm ao lót bạt và cho cá ăn. Đến giờ bà đã cơ bản nắm được kỹ thuật nuôi cá bằng cách lót bạt. Nhìn đàn cá bơi tung tăng trong ao, bà Thành vui lắm. Bà không nghĩ rằng, cách nuôi cá kiểu mới này lại đơn giản đến thế.
"Nhà tôi không có ao nên chưa nuôi cá bao giờ nên bây giờ được nuôi cá, tôi thấy rất mừng. Tôi đặt bể lót bạt nuôi cá ở ngay trên khoảng sân trước nhà để tiện chăm sóc, trông nom và cho cá ăn hàng ngày", bà Thành cho biết.
Cũng theo bà Thành, tham gia mô hình, gia đình bà được hỗ trợ bể nuôi cá bằng bạt, con giống (300 con cá rô ta, 400 con cá trê ta) và thức ăn cho cá. Bà đã đặt bể nuôi cá bằng bạt ở góc sân để tiện chăm sóc, trông nom và cho cá ăn hàng ngày. Theo dự tính, đàn cá nuôi khoảng 4-5 tháng sẽ cho thu hoạch.
Mô hình nuôi cá lót bạt sẽ được nhân rộng ra toàn xã Mỹ Lương. Ảnh: phunuvietnam.vn
Cách nhà bà Thành không xa, 15 hộ dân khác của xóm Xe Ngà cũng mạnh dạn đầu tư lót bạt nuôi cá. Vợ chồng ông Hà Văn Hoạch ở khu Xe Ngà cũng được lựa chọn tham gia mô hình nuôi cá lót bạt.
Nhà ông Hoạch có 5 nhân khẩu, trong đó có 2 cháu bé – một bé 3 tuổi và một bé mới sinh. Trước khi tham gia chương trình, thu nhập trong gia đình chủ yếu dựa vào 4-5 sào ruộng trồng lúa và 3 sào mặt nước để nuôi cá.
Trước đây gia đình ông Hoạch cũng nuôi cá đồng, nhưng do diện tích nuôi cá ao đất của gia đình ở xa, chăm sóc không thuận tiện. Do vậy 3 sào ao mặt nước nuôi cá 2 năm, ông chỉ thu hoạch được trên dưới 10 triệu đồng. "Bây giờ được nuôi bằng công nghệ mới này, tôi cảm thấy rất an tâm và cá phát triển rất là nhanh", ông Hoạch nói.
Với đàn cá giống đẹp, khỏe mạnh và ăn rất tốt như hiện tại, ông Hoạch dự kiến gia đình sẽ có thêm thu nhập từ 7-8 triệu đồng/năm. Cá nuôi từ mô hình này, gia đình ông sẽ dùng chủ yếu cho bữa ăn gia đình để cải thiện dinh dưỡng, phần còn lại ông sẽ bán để tăng thu nhập cho gia đình.
Tiếp sức cho đồng bào nghèo có sinh kế vươn lên
Mỹ Lương là xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi nằm ở vùng thượng huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ. Xã có 14 khu dân cư với 1.680 hộ, tổng số nhân khẩu là 6.845 người, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm hơn 80% dân số toàn xã, có nhiều dân tộc cùng sinh sống đan xen. Trên địa bàn xã Mỹ Lương, có tới 2/3 diện tích là đất đồi rừng, diện tích nuôi trồng thủy sản rất nhỏ, manh mún và mang tính chất tận dụng.
Nhiều hộ dân nghèo ở xóm Xa Ngà, xã Mỹ Lương, huyện Yên Lập đã được hỗ trợ để thực hiện mô hình nuôi cá lót bạt. Ảnh: phunuvietnam
Để tạo nguồn thực phẩm sẵn có, giàu dinh dưỡng cho người dân, trong năm 2022, Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn đã phối hợp cùng Học viện Nông nghiệp Việt Nam xây dựng mô hình điểm về liên kết chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ bảo quản tiên tiến trong nuôi cá lót bạt quy mô nông hộ đảm bảo an ninh dinh dưỡng cho người dân tại xã Mỹ Lương, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ. Theo đó, 15 hộ nghèo sẽ được hỗ trợ cá giống và chi phí xây bể lót bạt.
Đến nay, sau 2 tháng triển khai, các hộ dân ở Xe Ngà đã triển khai nuôi cá tại sân nhà mình. Chị Chảo Thị Bé (SN 1997) xóm Xe Ngà có 2 người con - một bé 3 tuổi và một bé 10 tháng tuổi. Cuộc sống gia đình chủ yếu phụ thuộc vào 8 sào ruộng, thu nhập hàng năm chỉ đủ ăn. Việc cải thiện dinh dưỡng cho con cái còn nhiều thiếu thốn.