Sau gần 10 năm kể từ ngày quy hoạch phát triển nuôi tôm công nghiệp, hiện toàn tỉnh chỉ có 4.900 ha nuôi tôm công nghiệp, bình quân mỗi năm tăng khoảng 500 ha. Đáng chú ý là từ đầu năm đến nay diện tích nuôi tôm công nghiệp không tăng. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên do nuôi tôm công nghiệp đòi hỏi đầu tư lớn, trong khi rủi ro cao, thiếu tính bền vững... Nhiều hộ dân nuôi tôm công nghiệp chỉ hiệu quả được một hai vụ đầu, còn sau đó thất bát.
Còn ông Trần Văn Trò, một nông dân nuôi tôm công nghiệp ở huyện Cái Nước, cho biết: "Nuôi tôm công nghiệp là nghề của người giàu và các doanh nghiệp vì họ có vốn lớn, lỡ thua keo này có thể bày keo khác lấy lại vốn, còn nông dân nghèo vay vốn ngân hàng nuôi tôm, chỉ cần thua một vụ thì cả đời không trả hết nợ ngân hàng. Đây chính là những lý do người nông dân không dám đầu tư nuôi tôm công nghiệp".
Ông Lê Văn Sử, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, do nuôi tôm bằng hình thức quảng canh cải tiến năng suất thấp nên địa phương đã quy hoạch, khuyến khích bà con nông dân nuôi tôm kết hợp với trồng lúa, đồng thời khuyến khích người dân, doanh nghiệp có điều kiện thì đầu tư nuôi công nghiệp, vì chỉ có nuôi công nghiệp mới đạt năng suất cao.
Tỉnh Cà Mau đang triển khai đề án nghiên cứu để hỗ trợ bà con nuôi đạt kết quả bền vững, bên cạnh đó cũng khuyến cáo người nuôi cần phải có sự trợ giúp của cán bộ kỹ thuật chuyên ngành thuỷ sản. Chủ trương nhất quán của tỉnh là khuyến khích nuôi tôm công nghiệp, phấn đấu đến năm 2015 tổng diện tích nuôi tôm công nghiệp phải đạt 10.000 ha.
Cà Mau là tỉnh có diện tích nuôi trồng thuỷ sản cao nhất nước với 290.000 ha, nhưng năng suất bình quân còn rất thấp, sản lượng mỗi năm chỉ đạt ở mức 150.000 tấn nên các nhà máy bị thiếu nguyên liệu để chế biến xuất khẩu.