Năm 2013, dự án nuôi tôm sinh thái có chứng nhận quốc tế, do Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) hỗ trợ cho hơn 740 hộ dân SX trong rừng phòng hộ Nhưng Miên.
Cà Mau có khoảng 70.000 ha rừng ngập mặn, trong đó có 30.000 ha nuôi tôm dưới tán rừng. Hiện có 14.000 ha được công nhận nuôi tôm sinh thái. Đây là chiến lược phát triển để nâng cao vị thế tôm đất Mũi. Các hộ đăng ký nuôi tôm trên đã được chứng nhận vùng nuôi sinh thái, với diện tích 2.696,5 ha theo tiêu chuẩn Nanurland. Ban quản lý đã mở rộng thêm hơn 1.800 ha nuôi tôm sinh thái, dự kiến cuối năm nay sẽ được công nhận đạt tiêu chuẩn trên. Người dân được hướng dẫn trồng rừng, kỹ thuật nuôi tôm, tạo ra sản phẩm sạch bán được với giá cao.
Lợi ích mà mô hình nuôi tôm sinh thái mang lại là bảo đảm lợi nhuận cao nhất cho người dân, khi đầu ra sản phẩm được Cty CP Thuỷ sản Minh Phú cam kết thu mua toàn bộ với giá cao hơn giá thị trường 10%. Ngoài ra, phát triển nuôi tôm sinh thái có rất nhiều cái lợi, nhà nông được nâng cao năng lực, trình độ nuôi tôm, họ nhận thức được việc bảo về rừng là trách nhiệm và có thể đối thoại trực tiếp về giá cả với doanh nghiệp. Ngoài ra, nhờ tôm được chứng nhận sinh thái, bà con còn được hỗ trợ dịch vụ chăm sóc rừng. Cơ quan chức năng có điều kiện quản lý tốt vùng nuôi, tiết kiệm được chi phí quản lý. Doanh nghiệp được chứng nhận quốc tế về vùng nuôi cho sản phẩm tôm sạch, có uy tín trên thị trường.
Hiện nay, Ngân hàng Thế giới đang có dự án hỗ trợ 19,6 triệu USD để phát triển nuôi tôm sinh thái tại Cà Mau. Sở Nông nghiệp và PTNT nỗ lực đàm phán và tăng cường tập huấn, hướng dẫn người dân biện pháp bảo vệ môi trường; hỗ trợ trồng rừng đảm bảo đủ diện tích. Xây dựng hệ thống thủy lợi, hạ tầng để đáp ứng yêu cầu vùng nuôi, đảm bảo các yêu cầu của đối tác.
Thương hiệu tôm sinh thái của Cà Mau đã được các nước trên thế giới rất ưa chuộng. Theo kế hoạch trong 2 năm tới tỉnh sẽ công nhận toàn bộ diện tích nuôi tôm dưới tán rừng đạt các tiêu chuẩn nuôi sinh thái.