Nhiều năm trước đây và hiện nay, tại Bình Thuận thỉnh thoảng vẫn có người phải cấp cứu vì liều ăn cá nóc. Chẳng đâu xa, ngày 26/10/2017 Bệnh viện đa khoa thị xã La Gi, tiếp nhận 6 ca ngộ độc do ăn cá nóc, trong đó 1 trường hợp tử vong. Tìm hiểu nguyên nhân, các thuyền viên trên trong khi đánh bắt trên biển đã ăn thịt cá nóc rồi ngộ độc... Gần nhất, ngày 11/9/2018, 5 ngư dân tại Cà Mau bị ngộ độc cũng do cá nóc, may mắn cấp cứu kịp thời…
Đây là lý do để nhiều năm trước đây, ngành thủy sản, y tế của Bình Thuận khuyến cáo ngư dân không ăn cá nóc. Ở một số địa phương ven biển, ngoài việc tuyên truyền, chính quyền còn phát tờ rơi, cảnh báo người dân không nên ăn cá nóc. Có thể nói, các địa phương nói chung đã hết sức cố gắng trong tuyên truyền “nói không với cá nóc”, nhằm bảo toán tính mạng, sức khỏe của người dân.
Thế nhưng, mới đây ngày 13/11/2018, câu chuyện về cá nóc lại được bùng xới bởi Dân Việt, tờ báo điện tử của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khi tờ báo này đăng bài: “Doanh nghiệp xin mua cá nóc để xuất khẩu”. Bài báo cho biết: “Giám đốc Sở Nông nghiệp Quảng Ngãi đã giao Chi cục Thủy sản khảo sát về nguồn lực khai thác cá nóc của ngư dân theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Trước đó, một doanh nghiệp tư nhân ở Nha Trang (Khánh Hòa) đề nghị UBND Quảng Ngãi cho phép thu mua loài cá này để chế biến xuất khẩu; cá nóc rất được “Hàn Quốc và Nhật Bản ưa chuộng”.
Bài báo còn có đoạn cho biết: “Trong báo cáo công bố hồi đầu năm nay, Bộ Nông nghiệp cho biết, đề án thí điểm khai thác, thu gom, chế biến cá nóc sang Hàn Quốc giai đoạn 2004 - 2016 đã được triển khai ở 5 tỉnh Hải Phòng, Khánh Hòa, Phú Yên, Bà Rịa - Vũng Tàu và Kiên Giang”.
Đến giờ, chúng tôi vẫn chưa biết xác thực nguồn tin Hàn Quốc, Nhật Bản ưa chuộng cá nóc, cũng như chuyện xuất khẩu cá nóc như thế nào. Song quả thật với việc đưa tin: cá nóc xuất khẩu của báo trên, vô hình trung làm cho việc tuyên truyền nói “không với cá nóc” bấy lâu nay chẳng còn mấy ý nghĩa. Ngư dân, đa số là học vấn thấp, sẽ vin vào câu chuyện cá nóc xuất khẩu, cũng như nói: “Người nước ngoài ăn thịt cá nóc đó có sao đâu!?” để tiếp tục ăn cá nóc thì nguy cơ không an toàn toàn tính mạng sẽ rất cao. Tóm lại, chưa thấy xuất khẩu cá nóc mang lại bao nhiêu ngoại tệ như thế nào, nhưng rõ là thông tin trên đáng là nỗi quan ngại.
Dấu hiệu và diễn biến ngộ độc cá nócKhi ăn cá nóc trúng phần có độc tố, chất tetrodotoxin sẽ hấp thu qua đường ruột và dạ dày từ 10 - 15 phút. Sau đó độc tố phát tác với những triệu chứng:
- Tê cứng chân, tay hoặc tê cứng một số bộ phận trên cơ thể.
- Cơ thể mệt mỏi, vã nhiều mồ hôi, buồn nôn, đau bụng.
- Nước bọt tiết nhiều, có triệu chứng sùi bọt mép, nói nhảm, cơ yếu, chân tay khó cử động như mong muốn, đồng tử giãn to, mắt mờ.
- Cơ thể liệt dần, mạch chậm, huyết áp hạ, da chuyển màu tím và co giật rồi ngưng hô hấp và hôn mê.