Cả thế giới ăn tôm

Mỗi người trên thế giới ăn một cân tôm mỗi năm, thì Việt Nam có thể xuất khẩu được 7 triệu tấn.

Cả thế giới ăn tôm
Hình minh họa. Nguồn VnEconomy

Hôm qua, tại Quốc hội, dù chỉ được cho 10 phút, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường dùng 18 phút để nói về triển vọng của nông nghiệp Việt Nam. Ông đưa ra một phép nhân đơn giản về con tôm: 7 tỷ người nhân với một cân thì ra 7 triệu tấn.

Phép nhân ấy làm tôi nhớ đến ông Hồng ở Cà Mau.

Mắt ông Hồng sũng nước khi nhắc đến con trai. Thằng Phúc học đại học trên thành phố Cà Mau. Mỗi tuần, nó ghé nhà một lần. Ông Hồng chỉ cho con được hai trăm nghìn. Trừ tiền thuê trọ, mỗi ngày trung bình thằng Phúc được tiêu mười mấy nghìn, cả tiền ăn, tiền sách vở. Ông không biết làm thế nào hơn. Nhà ông đã mất hết vì con tôm.

Ông Hồng thua tới bốn vụ liên tiếp. Hai vụ đầu thì tôm chết vì bệnh. Hai vụ sau, ông nói do thời tiết. Ông cạn vốn, đất đai đã thế chấp ngân hàng, vẫn còn nợ đại lý thức ăn hơn trăm triệu. Nhà cửa ly tán: vợ và con gái đi vào Đồng Nai làm công nhân, còn ông đi chạy xe ôm ráng nuôi thằng út đi học đại học.

Một ngày thằng Phúc về, không cầm hai trăm nghìn của cha nữa. Nó nói, để con đi làm tự kiếm tiền đi học. Ông kể đến đó, rồi nước mắt chảy ra.

Mơ ước của ông bây giờ, là ai cho vay tiền, để ông lại nuôi tôm. Gieo tôm giống xuống như gieo tiếng bạc, thua rồi, không có cách nào gỡ được nợ nần, chỉ còn cách gieo tiếp.

Ở đâu đó, bạn sẽ bắt gặp những tấm gương làm giàu nhờ tôm. “Siêu lợi nhuận” là cách người nông dân miền Tây tả về nuôi tôm. Nhưng cạnh đấy, những gương mặt như ông Hồng không hiếm. Có một số nguyên nhân mang tính quy luật: biến đổi khí hậu khiến cho thời tiết thất thường, những “cơn mưa chìm quạt” trên đầm (lời ông Hồng) kéo dài đến cả những tháng mà trước đây là mùa khô. Những loại bệnh mới xuất hiện. Đợt tôm đầu tiên của ông Hồng, mắc bệnh EMS - một loại bệnh mới được phát hiện trên thế giới từ năm 2010, và bùng nổ ở Việt Nam năm 2012 khiến nhiều nông hộ điêu đứng.

Viễn cảnh Bộ trưởng Cường vẽ ra không hề viển vông. Nhưng nó cần nhiều điều kiện. Nếu không có ngay-lập-tức những nghiên cứu, hỗ trợ, liên kết, công cụ cho người nông dân, thì xu hướng hiện tại của ngành thủy sản đang là phép trừ chứ không phải phép nhân: thu nhập của người nuôi cá tra có thể giảm 3 tỷ đồng/ha vào năm 2020 và các hộ nuôi tôm sẽ giảm 950 triệu đồng/ha vào năm 2050, theo một nghiên cứu được đăng trên tạp chí của Hội nghề cá Việt Nam. Nguyên nhân là biến đổi khí hậu.

Quy luật quan trọng nhất của bi kịch, là việc người nông dân sẽ nuôi và đối phó với các thách thức khủng khiếp ấy bằng kinh nghiệm. Từ lúc mua tôm giống đến khi tôm bị bệnh, những người như ông Hồng sẽ chỉ được trợ giúp bởi các đại lý bán giống, bán thức ăn, theo cái cách mà các cô dược tá đứng sau các hiệu thuốc tư nhân “kê đơn” cho bệnh nhân. Tôm của ông vẫn chết.

Như rất nhiều phần của nền nông nghiệp, chuỗi giá trị của con tôm cũng đang thiếu bền vững. Hên thì hưởng, xui ráng chịu. Từ trước tới nay, có rất ít nỗ lực gắn kết các thành tố của chuỗi giá trị này. Cho đến tận giờ, việc các nhà máy chế biến, vốn có trình độ và hiểu thị trường, liên kết trực tiếp với người nông dân vẫn chưa phổ biến. Cho đến tận bây giờ, nước ta vẫn không tự chủ về giống tôm bố mẹ: phần lớn giống được nhập về từ Thái Lan và Hawaii. Cho đến tận giờ, vẫn chưa có một nghiên cứu đầy đủ nào về cách ứng phó với biến đổi khí hậu, hay ít nhất, là người nông dân trực tiếp làm ra con tôm “cho cả thế giới ăn” chưa được phổ biến cách ứng phó ấy.

Nếu chuỗi giá trị tôm vẫn không bền vững, thì khi mà cả thế giới ăn tôm, cả miền Tây sẽ cùng đánh bạc.

Nếu cả thế giới ăn tôm Việt Nam, 7 tỷ nhân với một cân sẽ là 7 triệu tấn, rất giản dị. Nhưng nếu cả thế giới ăn tôm Việt Nam, thì sự thiếu kiến thức và thiếu hỗ trợ của người nông dân Việt Nam sẽ nhân lên bao nhiêu lần và tạo ra những gì?

Phải nhấn mạnh rằng xác suất của ông Hồng, là một xác suất mang tính quy luật, nếu nhìn vào bức tranh nông nghiệp thời gian qua: những nỗ lực giúp nền nông nghiệp và người nông dân tự chủ về khoa học công nghệ rất khó thấy.

Tôi lên thành phố Cà Mau tìm Phúc. Thằng bé đang đi làm phụ bàn trong quán cà phê, ráng kiếm tấm bằng luật. Nó xin quản lý nghỉ một chút, ngồi kể chuyện sầu thảm những ngày con tôm chết, mẹ đứng ngoài đầm khóc, ba thẫn thờ. Nó kể chị gái bỏ xứ đi làm thuê cơ cực ra sao. Nó nói học xong sẽ làm cán bộ, không muốn nuôi tôm nữa.

Tôi đem dự định vay tiền nuôi lại tôm của ông Hồng hỏi thằng Phúc. Nó bảo, nếu cha muốn vậy thì cha cứ vay, nó không góp ý gì. Bây giờ không nuôi lại thì cũng đâu có cách nào trả nợ. Một trăm triệu là quá lớn.

Bộ trưởng Cường, ngoài con tôm, nói tới triển vọng của toàn bộ nền nông nghiệp. Nhưng ở đâu đó, bạn sẽ bắt gặp một người nông dân khác, bi kịch khác, giọt nước mắt khác kể cho bạn câu chuyện nông nghiệp mà không phải chuyện hôm nay gieo giống xuống đất mai thu hoạch rồi bán cho cả thế giới ăn.

Nếu ngay bây giờ cả thế giới ăn tôm, thì ba con thằng Phúc cũng không cảm nhận được. Họ sẽ vẫn ăn uống tằn tiện, và tin rằng việc mình mất tất cả là do số trời.

VNExpress
Đăng ngày 02/11/2017
Đức Hoàng
Kinh tế

Hợp tác gia công xuất khẩu thủy sản thế mạnh xuất khẩu thủy sản của Việt Nam

Việt Nam có thế mạnh về chế biến thuỷ hải sản, do đó các doanh nghiệp thuỷ sản Nhật Bản mong muốn tăng cường hợp tác, đặt hàng gia công sản phẩm xuất khẩu đi các thị trường khác.

Tôm thẻ
• 12:50 21/03/2024

Hội nghị thượng đỉnh đổi mới thực phẩm xanh trở lại London

Hội nghị Thượng đỉnh Đổi mới Thực phẩm Xanh (Blue Food Innovation Summit) quy tụ ngành nuôi trồng thủy sản để khám phá những cơ hội và thách thức trong việc mở rộng quy mô sản xuất thực phẩm xanh đồng thời bảo vệ và khôi phục hệ sinh thái đại dương.

Hải sản
• 10:32 13/03/2024

Bệnh Tilv và vấn đề Brazil không nhập khẩu cá rô phi Việt Nam

Theo thông báo của Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường- NAFIQPM (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) kể từ ngày 14/2 Brazil tạm dừng nhập khẩu cá rô phi Việt Nam cho đến khi có kết luận rà soát bệnh do virus TiLV gây bệnh trên cá rô phi, vì đất nước này lo ngại việc nhập khuẩn làm lây lan dịch bệnh.

Cá rô phi
• 11:05 01/03/2024

Bình Định thực hiện nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả

Trong năm 2023 Trung tâm Khuyến nông tập trung triển khai các mô hình nuôi trồng thủy sản theo hướng đa dạng hóa các đối tượng nuôi, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để nâng cao giá trị sản phẩm, gắn với liên kết tiêu thụ theo chuỗi giá trị đã góp phần hạn chế rủi ro bệnh dịch, cải thiện môi trường sinh thái vùng nuôi, tạo ra các sản phẩm an toàn sinh học, nâng cao giá trị kinh tế, đem lại thu nhập ổn định và bền vững cho người nuôi.

Các mô hình nuôi trồng thủy sản
• 09:59 29/02/2024

Bạc Liêu: Tiến độ xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm

Tép Bạc đã phản ánh, năm 2023, tỉnh Bạc Liêu đứng đầu cả nước về sản lượng tôm nước lợ và kim ngạch xuất khẩu nhờ phát triển nuôi siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao. Bạn đọc muốn biết thêm tiến độ đầu tư xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm nổi tiếng ở Bạc Liêu nên xin cung cấp thêm thông tin.

Khu nuôi tôm công nghệ cao
• 16:15 28/03/2024

Tập huấn ứng dụng công nghệ trong bảo quản cá ngừ đại dương

Chiều ngày 27.3, Hiệp hội Thủy sản Bình Định phối hợp với Liên hiệp các hội KHKT Bình Định và Chi cục Thủy sản ( Sở NN&PTNT) tổ chức tập huấn quy trình công nghệ khí nitơ nano trong bảo quản cá ngừ đại dương cho 50 ngư dân làm nghề câu cá ngừ trên địa bàn phường Tam Quan Bắc, TX Hoài Nhơn.

Cá ngừ
• 16:15 28/03/2024

Như thế nào để tôm được vận chuyển đúng cách?

Tôm cũng giống như các hàng hóa khác, phân loại theo nhu cầu của khách hàng mà được vận chuyển đến các nơi khác nhau, với hai giai đoạn cơ bản như tôm giống được vận chuyển từ các trại giống đến ao nuôi và tôm thương phẩm được vận chuyển đến các chợ đầu mối, nhà máy chế biến. Vậy cách nào để có thể vận chuyển chúng một cách an toàn, tiết kiệm mà vẫn hiệu quả nhất? Hãy cùng tìm hiểu dưới đây nhé!

Tôm đông lạnh
• 16:15 28/03/2024

Biện pháp hạ phèn hiệu quả nhanh chóng

Chắc chắn rằng việc ao nuôi bị nhiễm phèn không còn là điều quá xa lạ đối với những người nuôi trồng thủy sản. Phèn xuất hiện trong ao nuôi tôm sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu suất và sản lượng của vụ nuôi.

Ao nuôi tôm bị nhiễm phèn
• 16:15 28/03/2024

Tôm đang trong ao bị thối đuôi: Nguyên nhân và cách điều trị

Tôm bị thối đuôi là một trong những bệnh nguy hiểm thường gặp ở tôm, đặc biệt là tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Bệnh có thể gây ra tỷ lệ tử vong cao, ảnh hưởng đến năng suất và lợi nhuận của người nuôi.

Tôm thẻ thương phẩm
• 16:15 28/03/2024