Nhiều nhưng yếu
Theo Sở NN&PTNT, đến nay trên địa bàn TP Hà Nội đã rà soát, thống kê, lập danh sách được 19.860 cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Trong đó, cấp huyện, xã, phường là 18.769 cơ sở, chiếm 94,5%, nhưng số cơ sở có giấy phép kinh doanh chỉ đạt 6.344 cơ sở. Như vậy, đối tượng quản lý của cấp huyện, xã, phường rất lớn nhưng thời gian qua việc triển khai thống kê cơ sở theo quy định của Bộ NN&PTNT chưa đồng đều, còn mang tính hình thức.
Việc triển khai giữa các địa phương còn không đồng nhất, kết quả chưa phản ánh thực chất, khách quan sản xuất kinh doanh ở địa phương đã ảnh hưởng đến việc đưa ra chủ trương giải pháp quản lý của cấp trên. Nhiều quận, huyện đã thành lập ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch hoạt động nhưng vẫn còn lúng túng trong quá trình tổ chức thực hiện, tập trung chủ yếu ở tuyến xã, phường quản lý dẫn tới công tác kiểm tra, đánh giá phân loại còn chậm, kết quả thấp.
Thực tế hiện nay, số lượng cơ sở kinh doanh thuộc cấp huyện, xã, phường quản lý lớn nhưng số được quản lý thấp. Trong năm 2015, số huyện thống kê được số cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản mới đạt 8,7%; số xã, phường thống kê mới đạt 1,5%. Đặc biệt, có nhiều xã, phường, thị trấn mới chỉ quản lý số cơ sở kinh doanh có giấy phép, trong khi cơ sở sản xuất chủ yếu nhỏ lẻ, không có giấy phép nên nguy cơ mất an toàn thực phẩm rất lớn.
Ông Đặng Viết Xuân, Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn huyện có 457 cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản do huyện quản lý, 31 cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp và 803 hộ sản xuất nhỏ lẻ do thị trấn, xã quản lý. Nhưng đến tháng 8-2015, Phòng Kinh tế huyện mới kiểm tra, đánh giá, cấp giấy chứng nhận được 12,2% số cơ sở, còn lại đều bỏ ngỏ.
Từng bước nâng cấp cơ sở hạ tầng
Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản Hà Nội Nguyễn Mậu Hải cho biết, hiện nay việc quản lý các cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản trên địa bàn thành phố còn nhiều vướng mắc. Chính quyền địa phương còn lúng túng trong triển khai, chính sách hỗ trợ của Nhà nước chưa nhiều khiến cơ sở chủ yếu nhỏ lẻ, không có giấy phép nhưng vẫn hoạt động, dẫn tới tình trạng buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh, chất cấm trà trộn trên thị trường.
Để giải quyết việc này, các quận, huyện, thị xã cần chỉ đạo phòng chức năng có liên quan tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến các văn bản pháp luật của Nhà nước về chất lượng vật tư nông nghiệp. Chủ động thống kê, kiểm tra, đánh giá, phân loại, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn quản lý. Thường xuyên báo cáo định kỳ, đột xuất theo đúng quy định của Nhà nước để kịp thời xử lý khi có việc xảy ra.
Các cơ sở sản xuất kinh doanh phải đầu tư trang thiết bị máy móc, từng bước nâng cấp cơ sở hạ tầng từ hạng C lên hạng B và A. Nếu các ngành chức năng kiểm tra nhiều lần, nhắc nhở không sửa chữa vẫn xếp loại C như thời điểm ban đầu cần tịch thu giấy phép kinh doanh, không cho hoạt động.
Đối với trường hợp cố tình vi phạm khi phát hiện cần xử phạt hành chính theo đúng quy định của pháp luật. Các ngành chức năng của Bộ NN&PTNT cũng như thành phố nên thường xuyên mở các lớp tập huấn, đào tạo nâng cao trình độ cho cán bộ quản lý ở tuyến cơ sở. Đối với cấp quản lý xã, phường, thị trấn phải bố trí nhân viên chăn nuôi thú y, trồng trọt, bảo vệ thực vật phổ biến, hướng dẫn, kiểm tra cơ sở kinh doanh, tổ chức ký cam kết đối với những cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ có phương án khắc phục. Chính quyền địa phương cần tăng cường giao ban báo cáo, tháo gỡ vướng mắc và bố trí kinh phí thực hiện kịp thời cho các hoạt động kiểm tra, đánh giá, phân loại cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn mình quản lý nhằm đưa hoạt động của các cơ sở này đi vào nền nếp và tiến tới loại bỏ những cơ sở yếu kém, không đạt yêu cầu.